Reuters dẫn lời một luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết tội danh mới được bổ sung bởi những người nộp đơn chống lại bà sau cuộc đảo chính quân sự 1 tháng trước.
Theo luật sư Min Min Soe, bà Suu Kyi đã yêu cầu gặp nhóm cố vấn pháp lý của mình trong phiên toà thông qua hội nghị truyền hình (liên kết video). Tội danh mới mà bà Suu Kyi phải đối mặt liên quan tới bộ luật hình sự, trong đó có điều khoản cấm xuất bản thông tin có thể "gây sợ hãi hoặc đáng báo động".
Bà Suu Kyi trông khỏe mạnh khi tham dự phiên toà được tổ chức ở thủ đô Naypyitaw nhưng dường như bị giảm cân đôi chút. Bà Suu Kyi là lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2 cùng một số lãnh đạo NLD khác.
Bà Suu Kyi tại Oslo - Na Uy chuẩn bị bài thuyết trình Nobel Hoà bình. Ảnh tư liệu: Reuters
Ban đầu, bà Suu Kyi bị buộc tội nhập khẩu 6 máy bộ đàm bất hợp pháp. Sau đó, bà bị cáo buộc vi phạm luật thiên tai liên quan tới các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19.
Luật sư Min Min Soe cho biết phiên toà tiếp theo xét xử bà Suu Kyi sẽ diễn ra hôm 15-3.
Các nhân chứng nói với Reuters rằng khi bà Suu Kyi xuất hiện tại phiên tòa hôm 1-3, cảnh sát ở TP Yangon đã sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình, 1 ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính.
Chưa có báo cáo về bất kỳ thương vong nào nhưng ngày hôm trước, cảnh sát cũng nổ súng vào đám đông ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Myanmar, giết chết 18 người.
"Đã 1 tháng kể từ cuộc đảo chính. Họ đàn áp chúng tôi bằng các vụ nổ súng. Chúng tôi sẽ lại xuống đường ngày hôm nay” - thủ lĩnh biểu tình Ei Thinzar Maung viết trên mạng xã hội Facebook.
Người biểu tình cầm ảnh bà Suu Kyi xuống đường ở thủ đô Naypyitaw. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, những người biểu tình tuần hành ở thị trấn Kale, giơ cao các bức ảnh của bà Suu Kyi và hô vang: “Dân chủ, chính nghĩa của chúng ta”. Video phát trực tiếp trên Facebook cho thấy đám đông tụ tập trên một con phố ở thị trấn Lashio, hô vang khẩu hiệu khi cảnh sát tiến về phía họ. Những người biểu tình cũng tuần hành ở thị trấn Bagan.
Cuộc đảo chính ở Myanmar thu hút hàng trăm ngàn người biểu tình và bị các nước phương Tây lên án.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng "bạo lực quá mức" của lực lượng an ninh Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau mô tả việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực gây chết người là "điều khủng khiếp".
Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, cảnh báo hành động trấn áp của chính quyền quân sự sẽ tiếp tục diễn ra. Vì vậy, cộng đồng quốc tế nên phản ứng đồng loạt.
Bình luận (0)