Trang tin WikiLeaks chuyên đăng tài liệu mật tiếp tục gây sốc ở Pháp vào tháng trước. Dưới tiêu đề “Espionnage Élysée”, WikiLeaks tiết lộ hàng loạt tài liệu tối mật của Cơ quan Tình báo quốc gia (NSA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo đó, ba đời tổng thống Pháp từ ông Chirac (1995-2007), Sarkozy (2007-2012) tới ông Hollande (2012 đến nay) và những quan chức cấp cao Pháp đã bị NSA nghe lén có hệ thống.
Kinh tế Pháp bị “đi guốc trong bụng”
Chiều cùng ngày, nhật báo trung tả Libération và trang tin trực tuyến Mediapart của Pháp hợp tác với WikiLeaks đã gây ra một trận động đất chính trị khi công bố tài liệu tối mật của NSA cho thấy trong 10 năm qua, dưới thời tổng thống George W. Bush và Barack Obama, điện thoại cá nhân của các vị tổng thống vừa kể thường xuyên bị nghe lén, mạng máy tính Bộ Ngoại giao Pháp bị thâm nhập từ tháng 6-2010.
Đại sứ quán tại Washington và Văn phòng Ngoại giao Pháp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York) cũng bị cài thiết bị nghe lén có mật danh “Wabash” và “Blackfoot”.
Mục tiêu của NSA là những vấn đề quốc tế mà Pháp muốn đóng vai trò then chốt như cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tương lai của châu Âu, mối quan hệ giữa chính phủ ông Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nỗ lực của Pháp trong việc sắp xếp ban lãnh đạo Liên Hiệp Quốc theo ý mình, cuộc xung đột Israel - Palestine…
Người Mỹ không chỉ quan tâm đến chính trị. Sốc nhất, theo WikiLeaks, là NSA ăn cắp có hệ thống bí mật kinh tế Pháp. Ngày 29-6, mở rộng hồ sơ “Espionnage Élysée”, WikiLeaks “bật mí” 2 nhóm tài liệu mật, cho hay từ năm 2002 đến 2012, lợi dụng việc quốc hội “bật đèn xanh” cho phép nghe lén mọi người trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11-9- 2001, NSA thu thập bí mật kinh tế Pháp bao trùm mọi lĩnh vực mang tính chiến lược từ công nghệ thông tin, điện, nước, khí đốt, xăng dầu, năng lượng hạt nhân đến giao thông, công nghệ sinh học…
Đầu tiên, 7 tài liệu đóng dấu tối mật của NSA cho biết: Thực hiện chính sách do thám kinh tế nước Pháp của giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), NSA thu thập có hệ thống các tín hiệu truyền thông của mọi hợp đồng kinh tế và đàm phán thương mại quốc tế có giá trị từ 200 triệu USD trở lên của các doanh nghiệp Pháp.
Những gì NSA thu thập từ đơn đặt hàng của DNI được chia sẻ cho Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Đại diện Thương mại Mỹ và Cục Tình báo trung ương (CIA) tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại trên thị trường quốc tế. Mỹ còn hào phóng chia sẻ một số tài liệu không ghi chữ “No Foreign” (không được chia sẻ với nước ngoài) - cho đối tác trong nhóm “Five Eyes” - các nước nói tiếng Anh hợp tác thông tin tình báo bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand. Nói trắng ra, Pháp mất rất nhiều lợi thế trên thị trường thế giới bởi hầu như không còn lá bài tẩy nào mà đối phương không biết.
Tiếp theo là 5 bản phân tích tình báo từ “thành quả” nghe lén điện thoại và đọc trộm những cuộc giao dịch của các bộ trưởng Bộ Tài chính, đặc biệt là François Baroin (2011-2012, thời ông Sarkozy) và Pierre Moscovici (2012-2014, thời ông Hollande). Cũng nhờ nghe lén Baroin mà Mỹ biết trước lập luận của tổng thống Sarkozy chỉ trích Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2008 tại hội nghị cấp cao G7 và G20.
Hậu quả nghiêm trọng
Bản báo cáo “Pháp: Phát triển kinh tế” năm 2012 vạch trần mức độ thâm nhập của NSA vào nội tình nước Pháp: Tất cả thông tin nhạy cảm về mối quan hệ giữa Paris và các tổ chức tài chính quốc tế, về lập trường của Pháp trong những vấn đề liên quan đến G8 và G20, về những hợp đồng kinh tế lớn với nước ngoài của Pháp từ 200 triệu USD trở lên - như đã nêu trên.
Những đối tượng sau đây cũng là nạn nhân của NSA: Một số quan chức cấp cao Bộ Tài chính và Tổng cục Chính sách Kinh tế, đại sứ Pháp tại Mỹ và các quan chức liên quan đến chính sách thương mại EU. NSA nghe lén gì? Đường lối và chủ trương của chính quyền Pháp đối với WTO, Hiệp đinh Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TAFTA), G7 và G20, ngân sách quốc gia Pháp năm 2013, sự suy thoái của ngành công nghiệp ô tô Pháp, vai trò của các doanh nghiệp Pháp trong Chương trình Đổi dầu lấy thực phẩm ở Iraq những năm 1990. Phần lớn các doanh nghiệp hàng đầu Pháp như ngân hàng BNP Paribas, AXA và Credit Agricole, 2 hãng xe Peugeot và Renault, tập đoàn dầu khí Total và công ty viễn thông Orange… đều bị NSA “xâm hại”.
Hậu quả của chiến dịch nghe lén đối với Pháp là rất nghiêm trọng. Nhiều hợp đồng kinh tế lớn vuột khỏi tầm tay, phần lớn vào tay doanh nghiệp Mỹ. Mỗi hợp đồng trên 200 triệu USD tạo ra hàng trăm việc làm. Nhận định về điểm này, Julian Assange, nhà sáng lập trang tin WikiLeaks, giải thích: “Tôi cho rằng nạn thất nghiệp ở Pháp đặc biệt cao là có lý do của nó: Mỹ đã chơi không đẹp”.
TAFTA Mỹ - EU có nguy cơ bế tắc
Trong giữa cuối tháng 7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục vòng đàm phán mới về TAFTA. Với tiết lộ động trời kể trên, các chuyên gia tin rằng Mỹ sẽ gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt từ phía Pháp. Hồi đầu tháng 7, Tổng thống F. Hollande đã hăm he tẩy chay TAFTA nếu Mỹ không cam kết ngừng nghe lén “không chỉ nước Pháp mà tất cả đối tác của Mỹ”. Bởi một khi NSA ăn cắp bí mật kinh tế Pháp thì họ cũng có thể làm như vậy đối với Đức (Thủ tướng Angela Merkel từng bị NSA nghe lén), Ý, Đan Mạch và nhiều nước khác.
Từ 2 năm nay, tổng thống Obama cố gắng thuyết phục các nước EU ký TAFTA để các doanh nghiệp Mỹ có cơ hội thâm nhập châu Âu với thế thượng phong. Theo nhận định của tờ Libération, âm mưu của Mỹ giờ đây có khả năng phá sản hoàn toàn. TAFTA sẽ đi vào ngõ cụt.
Kỳ tới: Vũ khí bí mật của NSA
Bình luận (0)