Julian Assange, nhà sáng lập website WikiLeaks, hôm 30-11, cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton “nên từ chức nếu đúng là bà phải chịu trách nhiệm vì đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ làm gián điệp tại Liên Hiệp Quốc”.
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đón Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Astana hôm 1-12. Ảnh: REUTERS
Mỹ trấn an thế giới
Trả lời phỏng vấn tạp chí Time (Mỹ), ông Assange cho rằng hành động trên đã vi phạm những hiệp ước quốc tế mà Mỹ đã ký nên việc bà Clinton từ chức hoặc bị sa thải là kết cục ông muốn thấy.
Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tìm cách trấn an thế giới rằng các nhà ngoại giao nước này không phải là gián điệp.
Ông nói với các phóng viên: “Các nhà ngoại giao của chúng tôi không phải là nhân viên tình báo. Họ không thể thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, nếu thông tin họ có được tỏ ra hữu ích, chúng tôi chia sẻ nó với các cơ quan khác của chính phủ”.
Dù vậy, ông Crowley né tránh những câu hỏi như tại sao các nhà ngoại giao Mỹ lại được yêu cầu cung cấp các mẫu ADN, số thẻ tín dụng, dấu vân tay và những thông tin rất riêng tư khác của các nhà lãnh đạo tại Liên Hiệp Quốc và các thủ đô nước ngoài.
Ông Mikhail Fradkov: “Đây là một sự kiện cực kỳ đặc biệt”. Ảnh: VEDOMOSTI
Các bộ trưởng Kazakhstan “rượu chè khoái lạc”
Vụ rò rỉ tài liệu ngoại giao mật của Mỹ còn bao trùm lên Hội nghị Cấp cao Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan trong hai ngày 1 và 2-12.
Hãng tin Reuters nhận định bà Clinton có thể cảm thấy bối rối khi gặp những nhà lãnh đạo hoặc quan chức được mô tả không mấy thiện cảm cho lắm trong những tài liệu ngoại giao bị rò rỉ, nhất là nước chủ nhà.
Một trong những báo cáo được một nhà ngoại giao Mỹ ở Astana viết đã mô tả những cảnh rượu chè khoái lạc của một số bộ trưởng Kazakhstan.
Báo cáo này cũng mô tả Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev bị ám ảnh bởi ngựa và thường đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất để trốn thời tiết giá rét ở Astana. |
Ông Assange đang là mục tiêu của một cuộc điều tra hình sự của Mỹ sau khi WikiLeaks và một số tờ báo lớn hôm 28-11 bắt đầu công bố những tài liệu đầu tiên trong số hơn 250.000 bức điện tín ngoại giao Mỹ.
Vì thế, theo hãng tin AFP, ông Assange đã trả lời phỏng vấn tạp chí Time thông qua dịch vụ điện thoại internet Skype để giữ kín nơi ở của mình.
Khi được hỏi liệu Bradley Manning - cựu sĩ quan phân tích tin tình báo của Mỹ đang bị giam ở bang Virginia - có phải là nguồn cung cấp tin duy nhất của WikiLeaks trong vụ rò rỉ này hay không, Assange cho biết: “Chúng tôi là tổ chức bảo vệ nguồn tin nên không muốn bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Ngoại giao, quân đội... đã gặp gỡ một số người có quan hệ với Manning ở thành phố Boston”.
Trong nỗ lực ngăn chặn một vụ việc tương tự xảy ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cắt một mạng máy tính quân sự Mỹ dùng để truy cập cơ sở dữ liệu có chứa các bức điện tín ngoại giao.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, bộ này hạn chế số nhân viên chính phủ có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu mật của mình.
Theo ông Crowley, đây là biện pháp tạm thời nhằm khắc phục những điểm yếu trong hệ thống khiến các tài liệu mật của Mỹ liên tục bị phát tán.
Cũng trong ngày 30-11, WikiLeaks cho biết đã bị tin tặc tấn công, khiến người dùng tại Mỹ và châu Âu không thể truy cập website này trong vài giờ.
Theo hãng tin AP, đây là lần thứ hai trong vòng 3 ngày WikiLeaks bị tấn công. Lần trước đó xảy ra vào ngày 28-11, trước khi website bắt đầu tung ra tài liệu ngoại giao mật của Mỹ.
Nga quan tâm đến tài liệu rò rỉ
Trong lúc này, nội dung những tài liệu bị rò rỉ nói trên tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhất là những nước liên quan.
Chính phủ Kenya đã có phản ứng giận dữ sau khi một điện tín bị rò rỉ mô tả nước này như là một “đầm lầy tràn ngập tham nhũng”. Người phát ngôn chính phủ nước này đã gọi mô tả trên là những lời lẽ ác ý và kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ xin lỗi.
Trong khi đó, các quan chức Brazil từ chối trả lời những câu hỏi về nội dung một số bức điện tín, trong đó cho biết nước này đã hợp tác riêng với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố dù nhiều lần công khai bác bỏ những mối đe dọa khủng bố trong nước.
Tại Nga, ông Mikhail Fradkov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài, hôm 30-11, cho biết cơ quan ông sẽ nghiên cứu cẩn thận những tài liệu trên trong tuần này.
Ông Fradkov cho hãng tin Interfax (Nga) biết: “WikiLeaks đã công bố một kho báu tài liệu phân tích. Chúng tôi luôn rút ra những kết luận từ nhiều nguồn tin khác nhau nhưng đây là một sự kiện cực kỳ đặc biệt”.
Ông Fradkov cho biết thêm rằng kết quả phân tích sẽ được trình cho Điện Kremlin. Dù vậy, ông từ chối bình luận về tác động của vụ rò rỉ đối với nền ngoại giao Mỹ hoặc quan hệ giữa Washington với các đối tác nước ngoài.
Julian Assange. Ảnh: REUTERS | Mẹ của Julian Assange lo âu
Mẹ của Julian Assange, nhà sáng lập website WikiLeaks, hôm 1-12, đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng khi cảnh sát quốc tế ra lệnh bắt con trai bà. Bà nói rằng bà không muốn con trai bà bị săn đuổi và cầm tù.
Ngày 30-11, Interpol đã ban hành “yết thị đỏ” để bắt Assange, người Úc, 39 tuổi. Trước đây, ngày 18-11, Văn phòng Công tố Quốc tế Thụy Điển ở Gothenburg đã công bố lệnh bắt Assange vì tình nghi phạm tội về tình dục. Tuy nhiên, Assange, đã phủ nhận các cáo buộc của Thụy Điển.
Theo hãng tin Reuters, bà Christine Assange - mẹ Julian Assange - hiện điều hành một rạp múa rối ở bang Queensland (Úc). Bà cho biết bà lo âu về tình hình của con trai khi Chính phủ Úc cùng với Mỹ tiến hành cuộc điều tra rằng liệu Assange và website WikiLeaks có vi phạm luật an ninh hoặc luật hình sự hay không.
Bà khẳng định: “Nó là con trai tôi và tôi yêu thương nó. Rõ ràng là tôi không muốn nó bị truy đuổi và cầm tù. Tôi sẽ hành động như bất kỳ bà mẹ nào. Tôi lo lắm. Người ta đã viết nhiều điều không đúng sự thật về tôi và Julian”.
Assange đã biến mất kể từ khi website WikiLeaks bắt đầu công bố hơn 250.000 tài liệu bí mật của Chính phủ Mỹ. Còn mẹ của Assange được yêu cầu chuyển từ Queensland sang Melbourne để tránh sự dòm ngó của báo chí.
L.San |
Bình luận (0)