Có thể nói trong mấy ngày qua, Julian Assange, nhà sáng lập kiêm tổng biên tập trang web WikiLeaks, đã bị tấn công từ mọi hướng. Ngoài lệnh truy nã khẩn cấp của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) nhắm vào ông Assange, trang web WikiLeaks đã bị tấn công ít nhất hai lần, lần sau mạnh hơn lần trước gấp trăm, gấp ngàn lần.
Như thường lệ, WikiLeaks dùng mạng xã hội Twitter thông báo việc bị tin tặc tấn công dồn dập bằng thủ thuật DDoS, một phương thức phổ biến mà tin tặc dùng để ngăn chặn truy cập vào trang web hoặc đánh sập nó.
Thủ thuật DDoS không đòi hỏi kỹ năng cao siêu mà đơn giản chỉ cần ra lệnh cho nhiều máy vi tính ở nhiều nơi bị tin tặc kiểm soát gửi lần lượt hàng đống dữ liệu vô nghĩa vào các máy chủ của WikiLeaks khiến nó “bội thực”. Hiện tượng này giống như một xa lộ có quá nhiều ô tô gây tắc đường.
Trong vòng vây tin tặc
WikiLeaks.org là trang web không vụ lợi chuyên đăng những tài liệu mật nhằm cổ xúy sự minh bạch. Trang web này nổi đình nổi đám từ tháng 7 năm nay khi nó tiết lộ 76.000 tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến Afghanistan (Afghan War Logs) làm chấn động dư luận Mỹ và thế giới.
Tháng 10 vừa qua, WikiLeaks tiếp tục tung thêm 15.000 tài liệu mật của quân đội Mỹ (Iraq War Logs) về cuộc chiến ở Iraq. Và lần này là 251.287 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ (Cablegate) mà tác hại được ngoại trưởng Ý Franco Frattini ví như “vụ khủng bố 11-9-2001 trong giới ngoại giao quốc tế”.
Gây thù chuốc oán nhiều như vậy, WikiLeaks bị tin tặc tấn công là chuyện đã được dự báo. Đợt tấn công đầu tiên - cũng bằng thủ thuật DDoS - bắt đầu từ 2 giờ ngày 28-11 (giờ Mỹ), tức trước khi trang web này bắt đầu tiết lộ Cablegate. Mọi cuộc truy nhập đều bị từ chối.
Trang web WikiLeaks trong thời gian bị tấn công. Ảnh: AP
Sau khi WikiLeaks thiết lập trang web con http://cablegate.wikileaks.org, các tài liệu được tải lên mạng, đồng thời các tờ nhật báo lớn của Mỹ (The New York Times), Anh (The Guardian), Tây Ban Nha (El Pais), Pháp (Le Monde) và Đức (Der Spiegel) cũng đăng tải các tài liệu này.
Đợt tấn công thứ hai có quy mô lớn hơn nhắm vào cả hai trang web WikiLeaks và Cablegate diễn ra hôm 30-11. Một nguồn tin giấu tên của WikiLeaks cho biết phân nửa máy chủ của trang web đã bị đánh sập sau hai ngày bị tấn công liên tục.
Đợt tấn công mới được xem là nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử WikiLeaks mặc dù không mất dữ liệu. Thiệt hại này bao gồm cả việc mất nguồn tài trợ vì trên mạng Twitter, WikiLeaks liên tục kêu gọi tài trợ để đối phó với những vụ kiện cáo và thiệt hại về kỹ thuật. Đến trưa 1-12, WikiLeaks.org vẫn bị tê liệt, vài giờ sau mới khôi phục được.
Tại Mỹ và châu Âu, không ai vào được các trang web của WikiLeaks. Neil Doyle, một chuyên gia internet, cho biết tin tặc đã dùng hàng trăm ngàn máy tính tấn công cùng một lúc các máy chủ của WikiLeaks ở châu Âu (chủ yếu ở Thụy Điển và Iceland) và bờ Tây duyên hải Mỹ. Lưu lượng dữ liệu tấn công vào các máy chủ lên đến 10 gigabyte/giây, tương đương dung lượng một bộ phim DVD/giây.
Ông Doyle đánh giá những cuộc tấn công trên diễn ra trong bối cảnh bí mật và mọi nghi ngờ đều hướng về nước Mỹ vì ở Washington đang có tin đồn Mỹ dùng một “đệ tam nhân” tấn công WikiLeaks.
Hãng tin AP ngày 1-12 đưa tin WikiLeaks thừa nhận Amazon.com không còn cho WikiLeaks dùng máy chủ của công ty này nữa. Theo nhật báo Anh The Guardian, Amazon làm như vậy dưới sức ép chính trị của thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman. Đây là một đòn bất ngờ đối với WikiLeaks.
Julian Assange (trái) và Domscheit-Berg. Ảnh: Le Point
Cũng giống như đợt tấn công đầu tiên, không ai vỗ ngực xưng tên là tác giả đợt tấn công thứ hai này. Mỹ, các nước châu Âu bị nghi ngờ là tác giả những vụ tấn công để trả thù vụ tiết lộ gây thiệt hại lớn cho họ. Trung Quốc cũng bị nghi ngờ vì mạng WikiLeaks ở Trung Quốc đã bị từ chối truy cập từ hôm 29-11 đến nay.
Tuy nhiên, theo Dave Clemente, một chuyên gia về an ninh mạng thuộc học viện Anh Chatham House, “không thể biết được kẻ tấn công là một cá nhân hay một cơ quan chính phủ nào”.
Người nhà trở mặt
WikiLeaks đang bị tấn công tứ phía nhưng đau nhất là thông tin một nhóm cộng sự của tổng biên tập Julian Assange đã quyết định ly khai để thành lập một trang web mới cạnh tranh trực tiếp với WikiLeaks.
Theo tuần báo Pháp Le Point, đối thủ của WikiLeaks có trụ sở đặt tại Berlin, thủ đô Đức, sẽ ra mắt độc giả từ giữa tháng 12 này.
Cách đây ba tháng, nhóm nhà báo nói trên vẫn sát cánh cùng nhà báo Úc Julian Assange điều hành trang web WikiLeaks.org. Đặc biệt trong nhóm có một người từng là cánh tay phải của Assange đảm nhiệm vai trò phát ngôn chính thức của WikiLeaks trong hai năm rưỡi qua với bút danh Daniel Schmitt.
Đó là Domscheit-Berg, người dám chỉ trích Assange “hành xử như một ông vua”, dùng WikiLeaks để “tôn sùng cá nhân”. Giữa tháng 9-2010, ông Assange đã quyết định đình chỉ công tác của Domscheit-Berg một tháng.
Kể từ đó Domscheit-Berg âm thầm xây dựng nhóm, lập kế hoạch lên trang web mới cạnh tranh với WikiLeaks. Trong nhóm còn có Herbert Snorasson, một thanh niên Iceland được nghị sĩ Birgitta Jonsdottir ủng hộ.
Thế nhưng, theo Le Point, trang web mới chưa thành lập nhưng đã có tin đồn đứng đằng sau Domscheit-Berg là FBI (cảnh sát liên bang Mỹ)! Tất nhiên, Domscheit-Berg đã bác bỏ tin đồn này.
Kỳ tới: Không chốn nương thân
Bình luận (0)