Theo kênh RT, với động thái trên, Ba Lan trở thành quốc gia NATO thứ ba trang bị xe tăng cho Ukraine, sau Cộng hòa Czech và Slovakia.
Thủ tướng Morawiecki nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Polsat News (Ba Lan): "Ba Lan đã giao xe tăng cho Ukraine nhưng vì lợi ích an toàn của chúng tôi và của người Ukraine, chúng tôi không tiết lộ số lượng thiết bị được tặng vào lúc này".
Lính Ukraine lái xe tăng T-72 tại ngôi làng Lukianivka, Kiev ngày 27-3. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 22-4 tại Ấn Độ, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói nước này có thể chuyển xe tăng tới Ba Lan để nước này giao một số xe tăng T-72 cho Ukraine.
Khi đó, Thủ tướng Anh không nêu rõ chủng loại xe tăng nước này có thể chuyển cho Ba Lan để bù số tăng chủ lực T-72 có thể chuyển cho Ukraine. Quân đội Anh đang vận hành gần 230 xe tăng chủ lực Challenger 2.
Mỹ và đồng minh đã tăng cường hỗ trợ vũ khí, trang thiết bị và đạn dược trị giá hàng trăm triệu USD cho Ukraine kể từ khi quân đội Nga thực hiện chiến dịch quân sự vào ngày 24-2.
Hiện có thông tin rằng Czech, Slovakia và Slovenia đều đã gửi xe tăng đến Ukraine, có thể là một phiên bản của T-72 do Liên Xô thiết kế hay M-84 của Nam Tư. Quân đội Ukraine có thể vận hành dễ dàng cả 2 loại xe tăng này hơn bất kỳ xe tăng nào của phương Tây.
Xe tăng chủ lực Challenger 2 của Anh diễn tập tại thao trường Sennelager. Ảnh: Quân đội Mỹ
Ba Lan có hơn 400 xe tăng T-72 do Liên Xô thiết kế, một số trong số đó đã được hiện đại hóa những năm gần đây, trong khi những chiếc khác được sử dụng làm nền tảng cho PT-91 Twardy ("Tough"), một loại xe tăng chiến đấu chủ lực được sản xuất trong nước từ nửa sau thập niên 1990.
Thủ tướng Anh đã đề nghị gửi cho Ba Lan một số xe tăng Challenger 2 MBT.
Về phía Nga, Moscow cảnh báo NATO rằng việc tấn công bất kỳ đoàn xe vận chuyển vũ khí nào vào Ukraine cũng sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp.
Đài RT dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 25-4 cho biết tên lửa hành trình của nước này đã phá hủy ít nhất 6 điểm giao cắt đường sắt ở miền Tây và miền Trung Ukraine, nơi được cho là sử dụng để vận chuyển vũ khí của phương Tây.
Theo quân đội Nga, hơn 2.500 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Ukraine bị phá hủy kể từ khi bắt đầu chiến sự.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 25-4, Nga cảnh báo xung đột Ukraine có nguy cơ leo thang và cáo buộc Kiev "bày trò" tại các cuộc đàm phán hòa bình, một ngày sau khi các quan chức Mỹ đến thủ đô Kiev của Ukraine.
Phát biểu trước các hãng thông tấn Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích cách tiếp cận của Kiev trong việc gây xáo trộn các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba là "nghiêm trọng". Dù vậy, ông Lavrov nhấn mạnh các cuộc đàm phán với Kiev sẽ tiếp tục.
Ngoài ra, Nga những tuần gần đây cáo buộc Ukraine tấn công các mục tiêu trên đất Nga, bao gồm hai ngôi làng ở Belgorod và một ngôi làng khác ở vùng Bryansk.
Bình luận (0)