Đài CBS News ngày 15-4 nhận định nếu chiến tranh giữa 2 quốc gia nói trên xảy ra, Mỹ nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng nhưng cái giá mà họ phải trả không hề nhỏ.
Cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) khiến gần 37.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, một kịch bản mà không ai muốn lặp lại. Trong thời gian tới, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng 3 lần khiêu khích Mỹ.
Sự kiện tàu gián điệp USS Pueblo
Năm 1968, Bình Nhưỡng bắt giữ tàu gián điệp Mỹ USS Pueblo ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định tàu USS Pueblo đã xâm phạm lãnh hải Triều Tiên trong khi chính phủ Mỹ nói rằng con tàu đang ở vùng lãnh hải quốc tế. 82 thành viên thủy thủ đoàn của USS Pueblo bị Triều Tiên bắt giam trong suốt 11 tháng.
Chính phủ Mỹ sau đó đưa ra lời xin lỗi Triều Tiên vì hoạt động gián điệp. Mỹ sau đó khẳng định họ viết thư xin lỗi chỉ vì muốn Triều Tiên thả tù binh.
Tàu USS Pueblo hiện vẫn ở Bình Nhưỡng, trở thành điểm tham quan.
Thành viên thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo lúc bị Triều Tiên cầm giữ. Ảnh: AP
Sự kiện cây rìu
Khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc lại là khu vực biên giới tập trung nhiều vũ khí nhất thế giới. Vào ngày 18-8-1976, một nhóm sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc muốn cắt tỉa một cây bạch dương vì nó che khuất tầm của một đài quan sát Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Binh sĩ Triều Tiên không cho phép vì nói rằng cây này được chính cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trồng. Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc sau đó vẫn cương quyết cắt tỉa cây và đã bị binh sĩ Triều Tiên tấn công. Hai sĩ quan Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên giết chết bằng chính cây rìu được họ mang theo để cắt tỉa cây, theo Wayne Kirkbride – một binh sĩ Mỹ tuần tra biên giới vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Nhóm binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc rút lui. Tuy nhiên, một lực lượng lớn hơn, bao gồm đặc nhiệm Hàn Quốc, sau đó được điều động và đã cắt tỉa cây thành công.
Sự kiện bắn rơi máy bay gián điệp EC-121
Sự kiện này xảy ra chỉ vào tháng sau khi thành viên thủy thủ đoàn của tàu USS Pueblo trở về nhà. Vào ngày 15-4-1969, một máy bay do thám EC-121 bay trên lãnh hải quốc tế bị hai chiến đấu cơ Triều Tiên MIG bắn hạ. Máy bay EC-121 khi ấy không được trang bị vũ khí và đang tiến hành nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo của Triều Tiên và Liên Xô. 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Richard Nixon vô cùng tức giận và nghĩ đến việc đáp trả quân sự bằng vũ khí hạt nhân. “Ông Nixon hết sức tức giận, ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật để trả đũa. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ được yêu cầu đề nghị các mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, họ đã thống nhất sẽ không hành động cho đến khi ông Nixon bình tĩnh vào sáng hôm sau" – ông George Carver, quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kể lại vào năm 1969, theo Guardian.
Hai ngày sau vụ việc, ông Nixon nói tại cuộc họp báo rằng mình quyết định không đáp trả về quân sự. Các chuyến bay do thám được nối lại, lần này có chiến đấu cơ đi theo để bảo vệ.
Bình luận (0)