Thông báo triệu tập được đưa ra 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski cảnh báo Warsaw sẽ cản trở các hoạt động kinh doanh của Liên minh châu Âu (EU) do khối này tái bổ nhiệm ông Tusk làm Chủ tịch EC.
Các cựu quan chức thuộc Cơ quan Phản gián quân đội Ba Lan (SKW) bị cáo buộc hợp tác với tình báo nước ngoài mà không có sự cho phép của thủ tướng.
Văn phòng công tố quận ở Warsaw nói rằng lệnh triệu tập là bắt buộc. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chủ tịch EC nói ông Tusk sẽ không thể có mặt vào ngày 15-3 vì phải tham dự cuộc họp tại Nghị viện Châu Âu (EP).
Cuộc điều tra tập trung vào sự hợp tác của các quan chức SKW với Nga, bao gồm việc trao đổi thông tin sau khi máy bay của tổng thống Ba Lan khi đó là Lech Kaczynski rơi tại Nga năm 2010 khiến ông thiệt mạng.
Ông Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan, đồng thời là đối thủ lâu năm của lãnh đạo đảng cầm quyền PiS Jaroslaw Kaczynski (anh em song sinh với cố Tổng thống Lech Kaczynski), đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai tại EC trên cương vị người đứng đầu. Ba Lan là nước duy nhất phản đối ông Tusk tái đắc cử.
Ngoại trưởng Waszczykowski trong một tuyên bố được truyền thông đăng tải hôm 11-3 đã cảnh báo chính phủ Ba Lan sẽ đáp trả cuộc bỏ phiếu của EU. “Chính sách của EU đã trở thành một chính sách với những tiêu chuẩn kép và sự gian lận” – ông Waszczykowski nói với báo Super Express.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Ba Lan thừa nhận nước này không thể tẩy chay EC và vẫn sẽ tham dự các cuộc họp của hội đồng.
Warsaw chỉ trích việc tái bổ nhiệm ông Tusk cho thấy EU đã bỏ qua lợi ích quốc gia quan trọng của Ba Lan. “Chắc chắn chúng tôi phải hạ thấp mức độ tin tưởng đối với EU cũng như bắt đầu thực hiện một chính sách tiêu cực” - ông Waszczykowski nhấn mạnh.
Chính phủ Ba Lan do Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền dẫn đầu bất đồng với EC về các vấn đề bao gồm luật pháp, người di cư, khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, trước khi tới Brussels, ông Tusk là thủ lĩnh Cương lĩnh Công dân (PO) - đảng đối lập lớn nhất ở Ba Lan - bị PiS lật đổ vào năm 2015.
Dù bất đồng với EC nhưng trong số 28 thành viên EU, Ba Lan lại là nước nhận viện trợ lớn nhất của khối.
Bình luận (0)