Bất ổn dường như chưa có dấu hiệu lắng dịu khi cuộc biểu tình rầm rộ phản đối quy định mới này bước sang ngày thứ ba hôm 18-12. Trong khi người dân bao vây tòa nhà quốc hội ở thủ đô Warsaw, các nghị sĩ Ba Lan đối lập biểu tình ngồi nhằm phản đối kế hoạch của đảng cầm quyền PiS bị cho là hạn chế tự do báo chí.
Ông Grzegorz Schetyna, thủ lĩnh Đảng Diễn đàn Dân sự đối lập, tuyên bố hàng chục nghị sĩ của đảng này tiếp tục ở lại và chiếm giữ phòng họp toàn thể của quốc hội tới ngày 20-12. Trong khi đó, những người biểu tình tuyên bố sẽ xuống đường nhằm gia tăng áp lực lên chính phủ. Ông Mateusz Kijowski, thủ lĩnh Phong trào Dân sự Ủy ban Bảo vệ dân chủ, khẳng định tiếp tục biểu tình cho đến khi đảng cầm quyền “chấm dứt phá hoại đất nước”.
Hôm 17-12, trước sự phản đối quyết liệt của phe đối lập, các nghị sĩ của đảng cầm quyền buộc phải rời sang một phòng khác và biểu quyết thông qua luật ngân sách 2017. Khi đó, PiS cho rằng việc biểu quyết là hợp pháp khi có đủ số lượng nghị sĩ có mặt.
Trái lại, đảng đối lập nói rằng bản chất sự việc là họ bị ngăn cản tham dự cuộc họp, cáo buộc hành động biểu quyết đó là bất hợp pháp. Phát biểu trước đám đông biểu tình ngày 17-12, Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Blaszczak cáo buộc phe đối lập cố tình chiếm quyền lực một cách phi pháp.
Theo đài CNN, lâu nay, các nhà báo Ba Lan tiếp cận gần như không hạn chế các hành lang quyền lực, xoay giới chính trị gia bằng vô số câu hỏi. Với nhiều người dân Ba Lan, đó là ví dụ điển hình cho nền dân chủ. Trong khi đó, chính phủ cảm thấy không dễ thở với giới truyền thông và cho rằng báo chí đã lạm dụng đặc ân này.
Vì thế, PiS ra quy định mới nêu trên - có hiệu lực từ năm tới, hạn chế số lượng phóng viên được phép vào tòa nhà quốc hội và chỉ có các đài truyền hình được chọn để ghi hình, tường thuật các phiên họp. Số phóng viên còn lại sẽ làm việc tại trung tâm báo chí ở một tòa nhà khác.
Điều này khiến giới truyền thông Ba Lan phẫn nộ, cáo buộc chính phủ tìm cách bịt miệng báo chí. Theo các nhà phê bình, mục đích thực sự của động thái này là nhằm hủy hoại các nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Quy định nêu trên dường như đang đào sâu sự chia rẽ chính trị ở Ba Lan.
Bình luận (0)