Theo đài BBC, động thái trên đã được dự báo cách đây nhiều tháng bất chấp nỗ lực thuyết phục của các đồng minh và nhiều người Mỹ.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ thỏa thuận, trong khi Tổng thống Donald Trump ưu tiên tập trung vào nhập cư, thương mại và kinh tế thay vì vấn đề hạt nhân Iran.
Vậy tại sao ông chủ Nhà Trắng cương quyết rút khỏi thỏa thuận?
Thứ nhất: Phá vỡ di sản của ông Obama
Tổng thống Donald Trump nhiều lần lên án thỏa thuận hạt nhân Iran với những lý do rất cá nhân. Ông cũng thường xuyên chế nhạo cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry – một trong những kiến trúc sư của thỏa thuận.
Đài BBC cho biết trong những ngày gần đây, ông Kerry đã nỗ lực tiếp cận người Iran khiến nhà lãnh đạo Mỹ đẩy nhanh quá trình rút khỏi thỏa thuận.
"John Kerry không thể chấp nhận sự thật ông ấy đã từng có cơ hội. Hãy tránh xa các cuộc đàm phán đi John vì ông đang làm đất nước của mình bị ảnh hưởng" - Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: BBC
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump không ngừng loại bỏ những di sản mà ông Obama để lại: rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm ngoái, thông báo ý định rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris vào tháng 6-2017, tấn công chương trình bảo hộ nhập cư DACA, bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng (còn gọi là Obamacare), tái áp đặt lệnh trừng phạt và hạn chế đi lại đối với Cuba...
Thứ hai: Xoay trục sang Israel
Khi ra tranh cử tổng thống, ông Trump nói về thỏa thuận hạt nhân Iran bằng giọng điệu không kịch liệt như bây giờ. Sự thay đổi quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ một phần bắt nguồn từ việc Washington ủng hộ chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
"Tôi rất ủng hộ Israel dù có thể nói ra điều này không giúp ích gì được cho tôi" – nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu trong cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 2-2016. Khi ấy, ông Trump bị hai thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio chỉ trích vì thái độ trung lập đối với các cuộc đàm phán giữa Ả Rập và Israel.
Vào tháng sau đó, ông Trump tuyên bố ưu tiên hàng đầu của mình là hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. "Không có sự tương đồng về đạo đức giữa người Irael và người Palestine. Nếu tôi trở thành tổng thống, chuỗi ngày đối xử với Israel như công dân hạng hai sẽ kết thúc" – ông Trump nói thêm.
Và sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump bắt đầu quá trình chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại người Palestine, tiếp tục lên án chính phủ Iran và từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran "dựa trên bằng chứng được Thủ tướng Netanyahu đưa ra".
Quyết định rút khói thỏa thuận hạt nhân của ông Trump có thể được ủng hộ nhiệt tình bởi hai ông Bolton (trên) và Pompeo. Ảnh: Greenville Post
Thứ ba: Những gương mặt mới trong nội các
Năm đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vài lần định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Một số cố vấn cấp cao khi đó như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Cố vấn An ninh quốc gia HR McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã ngăn cản ông.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn ông Mattis tại nhiệm. Hai vị trí kia được thay thế bởi hai ông Mike Pompeo và John Bolton, những người không ưa Iran.
Ông Tillerson và ông HR McMaster từng khuyên Tổng thống Donald Trump cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, lần này, quyết định của ông Trump dường như được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cố vấn mới đã khiến ông dứt khoát.
Bình luận (0)