Bộ Thương mại Mỹ và những cơ quan khác đã ký quyết định chỉnh sửa lệnh cấm nêu trên. Theo Reuters, quyết định điều chỉnh đã được gửi lên Sổ đăng ký Liên bang (FR) hôm 12-6 và có thể được công bố vào ngày 16-6.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã xác nhận động thái trên với Reuters và nói rằng: "Mỹ sẽ không nhượng bộ vai trò lãnh đạo trong công cuộc cải tiến toàn cầu. Bộ Thương mại cam kết bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và những lợi ích ngoại giao bằng cách khuyến khích ngành công nghiệp Mỹ tích cực tham gia và ủng hộ để công nghệ Mỹ trở thành tiêu chuẩn quốc tế".
Sau đó cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ chính thức công bố động thái trên, đồng thời khẳng định sự tham gia của Mỹ vào công cuộc đề ra tiêu chuẩn "sẽ ảnh hưởng tương lai của 5G, xe tự lái, trí thông minh nhân tạo và những công nghệ tiên tiến khác".
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: Reuters
Giới chức công nghệ và chính phủ Mỹ lưu ý rằng không nên xem động thái chỉnh sửa lệnh cấm là một tín hiệu cho thấy Washington mềm yếu hơn đối với Huawei.
Năm ngoái, Mỹ đưa Huawei vào "danh sách thực thể" của Bộ Thương mại với lý do an ninh quốc gia để hạn chế dòng chảy sản phẩm và công nghệ Mỹ vào Huawei. Tuy nhiên, giới chức công nghệ và chính phủ Mỹ cho rằng danh sách này đặt Washington vào một vị trí bất lợi trong công cuộc đề ra tiêu chuẩn, nơi các công ty phát triển các đặc điểm kỹ thuật để cho phép thiết bị từ nhiều công ty khác nhau hoạt động chung.
Với việc các công ty Mỹ không nắm rõ loại công nghệ hoặc thông tin nào họ được phép chia sẻ, kỹ sư từ một số công ty nội địa đã hạn chế tham gia và điều này mang lại cho Huawei một tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, theo hồ sơ tòa án được công bố hôm 15-6, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) đang đưa ra một lập luận mới tại tòa án Canada nhằm tránh bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc gian lận ngân hàng.
Giám đốc Tài chính Huawei Meng Wanzhou. Ảnh: Reuters
Các luật sư của bà Meng cho rằng đơn kiện mà Mỹ đệ trình cho Canada "có quá nhiều lỗi cố ý và nghiêm trọng" khiến quyền lợi của bà bị xâm phạm.
Bà Meng, 48 tuổi, bị bắt giữ ở TP Vancouver vào ngày 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ, nơi bà bị buộc tội gian lận ngân hàng và bị cáo buộc lừa dối Tập đoàn tài chính HSBC (Anh) về hoạt động thương mại của Huawei ở Iran.
Một bài thuyết trình PowerPoint được bà Meng gửi cho một nhân viên ngân hàng HSBC ở Hồng Kông hồi 2013 đã bị sử dụng làm chứng cứ chống lại bà. Trong bài thuyết trình này, bà Meng khẳng định Skycom Tech Co Ltd – một công ty hoạt động tại Iran – là "đối tác thương mại của Huawei". Tuy nhiên, công ty này bị Mỹ mô tả là một công ty con không chính thức của Huawei.
Huawei là một trong những vấn đề khiến quan hệ Mỹ-Trung xấu đi. Ảnh: Reuters
Theo các luật sư của bà Meng, các công tố viên đã bỏ qua những tiết lộ quan trọng mà bà đưa ra trong bài thuyết trình liên quan đến hoạt động thương mại của Huawei ở Iran và rằng Skycom hợp tác với Huawei trong lĩnh vực bán hàng và dịch vụ ở Iran. Không có những tiết lộ này, theo các luật sư, bản tóm tắt nội dung bài thuyết trình của Mỹ chỉ là "một tài liệu gây hiểu nhầm".
Cũng theo các luật sư, đơn kiện nói rằng chỉ một nhân viên "cấp thấp" của HSBC biết về mối quan hệ giữa Huawei và Skycom. Việc ban lãnh đạo cấp cao của HSBC không biết về mối quan hệ này, đặc biệt là khi Huawei là một trong những đối tác lớn nhất của họ, là "không thể tin được".
Bình luận (0)