xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà Merkel vào thế khó

HOÀNG PHƯƠNG

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức có thể gây tổn hại đến EU và giúp ích cho phe theo chủ nghĩa dân túy

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20-11 gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier để thông báo về sự sụp đổ của cuộc đàm phán lập chính phủ mới và thảo luận bước đi tiếp theo. "Là thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm đất nước được điều hành tốt trong những tuần lễ khó khăn sắp tới" - bà Merkel trấn an người dân.

Sẽ tổ chức bầu cử mới?

Chính trường Đức rơi vào khủng hoảng sau khi Đảng Dân chủ Tự do (FDP) bất ngờ rút khỏi đàm phán với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và Đảng Xanh hôm 19-11.

Thủ lĩnh FDP Christian Lindner cho biết họ không tìm được tiếng nói chung với 2 đảng còn lại về những vấn đề chủ chốt như nhập cư, khí hậu và chi tiêu sau hơn 4 tuần thương thảo. Ngoài ra, theo ông Lindner, 3 đảng trên không đủ lòng tin vào nhau để bảo đảm chính phủ sắp tới hoạt động ổn định trong 4 năm.

Bà Merkel vào thế khó - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với giới truyền thông sau khi cuộc đàm phán lập chính phủ mới thất bại Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, diễn biến trên khiến nước Đức đối mặt 2 lựa chọn chưa từng có thời hậu Thế chiến II: Bà Merkel lập chính phủ thiểu số với Đảng Xanh (hoặc FDP) hoặc tổng thống Đức kêu gọi bầu cử nếu không có chính phủ mới nào ra đời. Một liên minh giữa CDU/CSU với FDP còn 29 ghế thì đạt được thế đa số tại quốc hội. Với liên minh CDU/CSU và Đảng Xanh, con số này lên đến 42.

Theo đài DW, lựa chọn lập chính phủ thiểu số xem ra không khả dĩ bởi trong bối cảnh chính trường Đức có nhiều chia rẽ như lúc này, thật khó để bà Merkel có được sự ủng hộ cần thiết của phe đối lập để thông qua từng dự luật.

Ngoài ra, một kịch bản như thế còn đi ngược lời hứa của bà Merkel về một chính phủ ổn định. Điều đáng nói là mô hình chính phủ thiểu số kiểu này chưa từng trải qua thử thách ở cấp độ liên bang tại Đức.

Bên cạnh đó, bà Merkel còn có thể nỗ lực thuyết phục đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đổi ý để tiếp tục tham gia chính phủ "đại liên hiệp". Tuy nhiên, khả năng này không cao bởi SPD - hiện là đảng lớn thứ 2 tại quốc hội - không cho thấy dấu hiệu thay đổi. "Lập trường của SPD sẽ không thay đổi vì sự sụp đổ của cuộc đàm phán lập chính phủ liên hiệp" - Phó Chủ tịch SPD, ông Ralf Stegner, khẳng định đêm 19-11 (giờ địa phương).

Theo DW, lựa chọn khả dĩ nhất chính là bầu cử mới, nhiều khả năng diễn ra vào mùa xuân năm tới. Các cuộc thăm dò cho thấy kết quả cuộc bầu cử mới, nếu diễn ra, sẽ không khác gì nhiều cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9. Dù vậy, trang Bloomberg cho rằng điều này có thể thay đổi khi cử tri đánh giá về mức độ không chắc chắn hiện nay của chính trường đất nước.

Thách thức lớn nhất

Diễn biến mới nhất nói trên là thách thức lớn nhất trong 12 năm cầm quyền của bà Merkel, người đã trở thành biểu tượng của sự ổn định, lèo lái khu vực đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ và thúc đẩy thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ để giảm bớt dòng người di cư. Trước đó, bà Merkel lâm vào thế khó sau khi số ghế của CDU/CSU tại quốc hội sụt giảm trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, một phần vì quyết định mở cửa biên giới đón hơn 1 triệu người xin tị nạn năm 2015.

Giờ đây, đàm phán đổ vỡ khiến bà Merkel không chỉ gặp trắc trở trong nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp mà còn có thể khiến kinh tế chịu tác động tiêu cực. Ông Eric Schweitzer, Chủ tịch Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK), khuyến cáo doanh nghiệp Đức sẽ đối mặt một thời kỳ không chắc chắn kéo dài - điều không tốt chút nào cho nền kinh tế.

Bên ngoài biên giới, việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới trong gần 2 tháng sau bầu cử nhiều khả năng tác động tiêu cực đến cả châu lục, liên quan đến chuyện cải cách khu vực đồng euro, xử lý chính sách của Liên minh châu Âu đối với Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Guenther Oettinger, Ủy viên phụ trách ngân sách của EU, cảnh báo khủng hoảng chính trị ở Đức có thể gây tổn hại đến khối này trong lúc giúp ích cho phe theo chủ nghĩa dân túy.

Trong khi đó, ông Werner Patzelt, một nhà khoa học chính trị và thành viên CDU, nói với đài RT rằng EU sẽ lâm vào thế kẹt chừng nào Đức chưa thoát khỏi tình cảnh hiện nay bởi họ không thể ra quyết định gì nếu không có thành viên hàng đầu này. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo