Sự trỗi dậy của phe cực hữu là mối bận tâm hàng đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà có những nỗ lực tranh cử cuối cùng trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong ngày 24-9.
Nhiều cử tri còn lưỡng lự
Phớt lờ hành động quấy phá của hàng trăm người biểu tình cánh tả và hữu tại cuộc tuần hành tranh cử cuối cùng ở TP Munich hôm 22-9, bà Merkel đã có bài diễn văn tập trung vào sự ổn định, vấn đề an ninh và lời hứa tránh tăng thuế.
"Tương lai nước Đức dứt khoát sẽ không được xây dựng thông qua những tiếng huýt sáo và la ó" - bà Merkel đáp trả người chỉ trích. Trước đó một ngày, phát biểu trên đài phát thanh MDR, bà Merkel thúc giục 61,5 triệu cử tri bỏ phiếu cho những đảng nào trung thành 100% với hiến pháp - một thông điệp rõ ràng là nhằm vào đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD).
Cũng có lập trường tương tự, ông Martin Schulz, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), tuyên bố tại cuộc tuần hành ở TP Berlin hôm 22-9 rằng đảng này sẽ đóng vai trò là bức tường thành để ngăn đà tiến của AfD - chỉ mới ra đời năm 2013 trong cuộc khủng hoảng đồng euro nhưng đang trỗi dậy nhờ lập trường chống nhập cư kể từ năm 2015.
Thủ tướng Angela Merkel phát biểu tại cuộc tuần hành hôm 22-9 Ảnh: REUTERS
Các đảng lớn ở Đức đang ngày càng lo ngại viễn cảnh AfD dễ dàng giành được ít nhất 5% số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới để có thể có đại diện tại quốc hội, điều phe cực hữu chưa từng làm được kể từ sau Thế chiến thứ hai. Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ AfD vào khoảng 11%, so với mức 36% của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do bà Merkel đại diện và 22% của SPD.
Trong nỗ lực lôi kéo những cử tri nào đang vỡ mộng với 12 năm cầm quyền của bà Merkel, AfD đã tập trung vào quyết định gây tranh cãi của nhà lãnh đạo 63 tuổi này hồi năm 2015, theo đó mở cửa biên giới cho hơn 1 triệu người tị nạn, chủ yếu đến từ các quốc gia Hồi giáo.
EU hồi hộp
Kết quả cuộc bầu cử có thể chịu tác động ít nhiều trong trường hợp tỉ lệ cử tri bỏ phiếu không cao. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có đến 34% chưa quyết định bỏ phiếu cho ai hoặc không có ý định bỏ phiếu - một con số có thể khiến AfD hưởng lợi. Trong cuộc bầu cử năm 2013 có đến 29% cử tri không bỏ phiếu.
Theo Reuters, các đảng truyền thống lâu đời đều bác bỏ việc bắt tay với AfD ngay cả khi đảng này có thể trở thành đảng lớn thứ 3 tại quốc hội - một vị trí hứa hẹn chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa AfD với 3 đảng nhỏ khác, gồm Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Cánh tả.
Ngoài sự trỗi dậy của AfD, một số nhà bình luận còn lo ngại nguy cơ CDU/CSU mất phiếu bầu bởi điều mà họ gọi là "sự tự mãn" của bà Merkel. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng những vấn đề này chưa đủ nghiêm trọng để đe dọa làm xáo trộn trật tự quyền lực hiện có.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp khó thoát khỏi tay bà Merkel bởi phần lớn người dân Đức thích sự ổn định và đặt niềm tin vào khả năng lèo lái đất nước của nhà lãnh đạo này. Cơ hội tái đắc cử của bà càng được củng cố bởi sức khỏe tốt của nền kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp thấp.
Theo Reuters, kết quả bầu cử có thể lại dẫn đến kịch bản đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD hoặc bà Merkel có thể chuyển sang bắt tay với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) để lập chính phủ mới. Trang EU Observer nhận định thành phần chính phủ mới của quốc gia lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này có thể quyết định lập trường sắp tới của Berlin đối với những vấn đề quan trọng đang chờ EU xử lý.
Trước mắt, người ta đang chờ xem chính phủ mới của Đức sẽ đón nhận ra sao trước đề xuất cải cách khu vực đồng euro dự kiến được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố vào tuần tới. "Sự lựa chọn đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel nhất định sẽ tác động đến tương lai của khu vực đồng euro" - ông Carsten Brzeski, chuyên gia của ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.
Bình luận (0)