Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo với Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề Đài Loan trong cuộc điện đàm tuần rồi rằng "bất kỳ ai đùa với lửa đều sẽ bỏng tay".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó tuyên bố vào ngày 1-8 rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "sẽ không ngồi yên" nếu bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) trong 25 năm trở lại đây.
Dưới đây là những phương án mà Trung Quốc có thể triển khai nhằm phản ứng chuyến thăm của "bà đầm thép" của nước Mỹ, theo phân tích của hãng tin Bloomberg (Mỹ).
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tối 2-8. Ảnh: Reuters
Gia tăng sức ép lên Không quân Đài Loan
Với việc bay vào vùng nhận diện hàng không (ADIZ) của Đài Loan đã trở thành thông lệ, PLA có thể sẽ triển khai một máy bay quân sự đặc biệt lớn hoặc một loạt chuyến bay bất thường.
Kỷ lục xâm nhập ADIZ Đài Loan được PLA thiết lập vào ngày 4-10-2021, với 56 máy bay. Bắc Kinh có thể duy trì mức này trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần nhằm gia tăng sức ép lên Không quân Đài Loan vốn đang trong trạng thái căng thẳng.
Bắc Kinh sẽ phải phản ứng quân sự "theo cách cứng rắn hơn so với những lần trước đây" – chuyên gia Amanda Hsiao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nhận định với đài CNN.
Trung Quốc thời gian qua liên tục điều máy bay quân sự xâm phạm vùng nhân diện phòng không của Đài Loan. Ảnh: Reuters
Điều chiến đấu cơ bay trên bầu trời Đài Loan
Báo Global Times đề xuất PLA thực hiện một chuyến bay quân sự trực tiếp trên bầu trời Đài Loan, buộc chính quyền hòn đảo này quyết định có bắn hạ hay không.
Năm ngoái, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cảnh báo: "Máy bay quân sự Trung Quốc đến càng gần Đài Loan, phản ứng của chúng tôi càng mạnh".
Việc triển khai chiến đấu cơ bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, vùng đệm được Mỹ thiết lập vào năm 1954 nhưng không được Bắc Kinh công nhận, sẽ tăng thêm sức ép lên các lực lượng quốc phòng Đài Loan, buộc họ triển khai máy bay giám sát.
Máy bay PLA từng liên tục bay qua vùng khu vực nêu trên vào tháng 9-2020, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vào thời điểm đó là ông Keith Krach đến thăm Đài Loan.
Báo Global Times đề xuất PLA thực hiện một chuyến bay quân sự trực tiếp trên bầu trời Đài Loan, buộc chính quyền hòn đảo này quyết định có bắn hạ hay không. Ảnh: Reuters
Thử nghiệm tên lửa gần Đài Loan
Mùa hè năm 1995 chứng kiến một trong những phản ứng mạnh nhất của Trung Quốc đối với hoạt động trao đổi ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan: Phóng tên lửa thử nghiệm vào vùng biển gần hòn đảo này, khiến giao thông hàng hải và hàng không trong khu vực gián đoạn.
Đây là một phần trong chuỗi phản ứng của Bắc Kinh đối với quyết định của Mỹ nhằm mở đường cho lãnh đạo Đài Loan vào thời điểm đó là ông Lý Đăng Huy đến thăm Washington.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 2-8 thông báo Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của PLA sẽ tổ chức 6 cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật quanh Đài Loan. Thông báo được đưa ra không lâu sau khi máy bay chở bà Pelosi đáp xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc.
Các cuộc diễn tập dự kiến diễn ra từ ngày 4-8 đến ngày 7-8, tại các khu vực nằm trong eo biển Đài Loan, kênh Ba Sĩ, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Trong số này có điểm nằm cách TP Cao Hùng, miền Nam của Đài Loan, chưa đến 20 km.
Thử nghiệm tên lửa gần Đài Loan (nếu có) sẽ là một trong những động thái phản ứng khiêu khích nhất của Trung Quốc. Ảnh: Global Times
Trừng phạt kinh tế
Là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế này để trừng phạt các công ty xuất khẩu, tẩy chay một số mặt hàng của Đài Loan hoặc hạn chế thương mại song phương.
Hôm 1-8, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 công ty Đài Loan, theo hãng tin United Daily News (Đài Loan). Tuy nhiên, Trung Quốc phải cẩn trọng với phương án trừng phạt kinh tế bởi quốc gia này cần chất bán dẫn từ Đài Loan.
Bắc Kinh trước đó cũng đã trừng phạt nhiều quan chức Đài Loan bằng các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh cấm nhập cảnh đại lục. Danh sách trừng phạt có thể gia tăng, song động thái này dường như chỉ mang tính biểu tượng bởi giới chính trị gia Đài Loan nhiều khả năng sẽ không đến Trung Quốc hoặc hoạt động ở đó.
Trung Quốc cũng có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên eo biển Đài Loan, vốn có vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, mọi động thái cản trở vận chuyển thương mại đều có thể làm tổn hại kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Ảnh: Reuters
Phản đối ngoại giao
Global Times mới đây cảnh báo chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về những bước lùi "nghiêm trọng" trong quan hệ Mỹ-Trung vì chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Tờ báo này không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ rút Đại sứ Tần Cương ra khỏi Mỹ.
Vào năm 1995, Bắc Kinh từng rút đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vào thời điểm đó là ông Li Daoyu, sau khi Mỹ để ông Lý Đăng Huy đến thăm Washington.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã rút đại sứ của họ tại Lithuania sau khi quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan mở văn phòng ngoại giao với tên riêng của mình, thay vì Đài Bắc Trung Hoa - thuật ngữ được Bắc Kinh mô tả là trung lập hơn.
Trung Quốc có thể rút Đại sứ Tần Cương ra khỏi Mỹ để phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ.
Chiếm một hòn đảo
Bắc Kinh vẫn còn nhiều phương án quân sự, bao gồm chiếm một trong những hòn đảo nhỏ hơn do chính quyền Đài Loan kiểm soát. Dù vậy, theo đài CNN, động thái này nhiều khả năng sẽ không diễn ra.
Mỹ sẽ xem mọi hành động như trên là một phép thử đối với cam kết quân sự của chính quyền Tổng thống Biden với Đài Loan.
Chưa kể, một nước đi như vậy cũng sẽ mang đến nhiều rủi ro ngoại giao cho Bắc Kinh. Việc chiếm một hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan một mặt có thể khiến Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc, mặt khác có thể báo động các quốc gia châu Á, đặc biệt là những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Bình luận (0)