Đó là thông tin trong báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh), được báo chí Campuchia đăng tải hôm 7-7.
Báo cáo mà phía Phnompenh coi là “kích động một cuộc nổi loạn chống lại thủ tướng” nói trên chỉ ra rằng gia đình Thủ tướng Hun Sen có cổ phần tại ít nhất 114 công ty trong nước, trải rộng trên 18 lĩnh vực chủ chốt như năng lượng, viễn thông, khai mỏ và thương mại... Ông Hun Sen nắm quyền ở Campuchia đã 31 năm.
Khoảng 27 người thân của nhà lãnh đạo Campuchia được cho là có liên quan tới các công ty có giá trị vốn cổ phần trên 200 triệu USD. Trong số đó, tới 22 công ty với số vốn đăng ký tổng cộng lên tới 60 triệu USD có “bàn tay” của nữ doanh nhân quan trọng nhất trong gia đình.
Cụ thể, báo cáo cho biết bà Hun Mana là chủ tịch hoặc giám đốc của 18 công ty trong số đó. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ này không hề giữ vai trò một nhà đầu tư thầm lặng.
Bà Hun Mana - thứ hai từ trái qua, là người phụ nữ quan trọng nhất trong "đế chế kinh doanh" của gia đình thủ tướng Campuchia. Ảnh: Phnompenh Post
Trên mạng xã hội Facebook, bà Hun Mana chỉ trích Global Witness công bố bản báo cáo hoàn toàn dối trá, nhằm tấn công gia đình Thủ tướng Hun Sen.
Cũng theo bản báo cáo được đăng tải tên tờ The Phnompenh Post (Campuchia) này, từ các đài truyền hình tới các hãng viễn thông, quảng cáo sản xuất và lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Campuchia là xây dựng, bà Mana thường là gương mặt duy nhất của một công ty dù cũng có lúc bà hợp tác với các doanh nhân quan trọng khác như Kith Meng hay các thượng nghị sĩ CPP Lao Meng Khin và Ly Yong Phat.
Ái nữ của nhà ông Hun Sen điều hành 100% hệ thống Bayon Media Hight – vốn phát sóng các kênh Bayon TV, BTV News và ETV. Theo một báo cáo năm 2015 của Viện Mở (Campuchia), gần 1/3 người dân nước này tiếp nhận các tin tức hằng ngày từ truyền hình.
Ngoài ra, bà Mana sở hữu 6% cổ phần trong nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu của Campuchia Metfone thuộc công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam Viettel.
Người phụ nữ này còn có liên hệ với các thương hiệu quốc tế lớn vì bà là chủ tịch của hãng quảng cáo ngoài trời Moon Media chuyên làm việc với các khách hàng như Visa, Unilever, Proctor & Gamble và Honda.
Thêm vào đó, em gái của bà Mana là Hun Maly đứng đầu cả một đại lộ trung tâm thương mại cao cấp – “ngôi nhà” của những thương hiệu lớn như Mango, Adidas, Zara và hãng mỹ phẩm Shiseido.
Gia đình Thủ tướng Hun Sen chụp hình cùng hai cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinawatra và Somchai Wongsawat (bìa phải, ngồi) vào tháng 11-2009 tại nhà riêng ở thủ đô Phnom Penh. Hàng sau, từ trái sang phải: Hun Manith (con trai) và vợ Dy Chendavy; con gái Hun Maly cùng chồng Sok Puthyvuth; con dâu Pich Chanmony và chồng Hun Manet; con gái đầu Hun Mana cùng chồng Dy Vichea; Chay Lin - con dâu của ông Hun Sen. Ngồi cạnh ông Hun Sen là phu nhân Bun Rany. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, bà Pich Chanmony – vợ của ông Hun Man (con trai cả của Thủ tướng Hun Sen) - nắm 7 công ty, theo hồ sơ đăng ký của Bộ Thương mại Campuchia. Trong số những công ty dưới tay cô con dâu cả nhà thủ tướng Campuchia này có những cái tên nổi tiếng như Brands Management, myBurgerLab và chuỗi cửa hàng Boat Noodle. Chưa hết, bà Chanmony còn có cổ phần tại các hãng nổi tiếng khác như LG Electronics.
Theo báo cáo, bà Sok Sopheak - vợ của ông Seang Heng (cháu trai của Thủ tướng Hun Sen) - có liên hệ với iOne – hãng bán lẻ Apple hàng đầu của Campuchia.
Em gái út của ông Hun Sen là bà Hun Seng Ny nắm 50% cổ phần của tập đoàn Attwood Investment Group – sở hữu quyền kinh doanh các thương hiệu đình đám như Johnnie Walker, Hennesy và bia Corona. Bà còn là chủ tịch của UNT Wholesale chuyên nhập khẩu các sản phẩm như bao cao su Durex, cà phê Nescafe Gold và kem Nestle.
Bình luận (0)