Một nhóm thượng nghị sĩ trong quốc hội đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án, cáo buộc bà Yingluck thay thế ông Pliensri vào năm 2011 vì lợi ích của Đảng Pheu Thai do bà dẫn đầu.
Tuy nhiên, phát biểu tại tòa án hôm 6-5, bà Yingluck khẳng định: “Tôi phủ nhận mọi cáo buộc. Tôi không vi phạm pháp luật. Sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, tôi đã không nhận được bất cứ lợi ích cá nhân nào”.
Trong khi đó, ông Pliensri đã được phục chức Tổng thư ký NSC theo phán quyết của một tòa án tối cao Thái Lan khác. Lãnh đạo của đảng cầm quyền Pheu Thai Jarupong Ruangsuwan nói trước khi phiên điều trần diễn ra: “Đó là quyết định của thẩm phán. Tất cả những gì tôi biết là nếu tòa án kết tội thủ tướng Yingluck, toàn bộ nội các của bà sẽ ở vào tình trạng hỗn loạn. Mọi chuyện sẽ rõ ràng trong ngày hôm nay”.
Dù vậy, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã không đưa ra phán quyết sau phiên điều trần. Phán quyết sẽ được đưa ra trong ngày 7-5.
Bà Yingluck tới Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 6-5. Ảnh: Reuters
Ngoài cáo buộc lạm dụng quyền lực cho mục đích cá nhân, bà Yingluck còn bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) buộc tội vì không hoàn thành nhiệm vụ trong chương trình thu mua lúa gạo của chính phủ gây thiệt hại nặng nề.
Nếu bị truy tố về hai tội danh kể trên, bà Yingluck sẽ bị đình chỉ chức vụ thủ tướng và đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội của Thượng viện có thể khiến bà bị cấm tham gia chính trường trong vòng 5 năm.
Phe Áo đỏ ủng hộ chính phủ tuyên bố sẽ xuống đường nếu bà Yingluck bị lật đổ, báo hiệu những cuộc đụng độ khốc liệt với lực lượng an ninh.
Trước cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội bị gián đoạn hồi tháng 2, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) và Đảng cầm quyền Pheu Thai đồng ý bỏ phiếu lại vào ngày 20-7 sắp tới nhưng không được sự chấp thuận của Đảng Dân chủ đối lập.
Bình luận (0)