Bà Yingluck hôm 16-12 khẳng định trên mạng xã hội Facebook rằng bà đau buồn vì bị chia cách khỏi con trai, gia đình, người ủng hộ cũng như khối tài sản mà bà có được trước khi trở thành thủ tướng.
"Nhà của tôi bị chính quyền hiện tại tịch thu trong khi những tài sản khác bị thanh lý bởi Cục Thực thi Pháp luật. Tôi đã sử dụng toàn bộ quy trình pháp lý để đấu tranh giành lấy những tài sản này. Tuy nhiên, tôi không thể ngăn cảnh sát tiến hành chiến dịch tịch thu tài sản theo Điều 44 của Hiến pháp Tạm thời 2014. Họ không quan tâm đến luật pháp" – bà Yingluck khẳng định.
"Ông Prayut Chan-o-cha đã sử dụng điều luật này kể từ khi nắm quyền. Đến giờ, điều luật này đã có hiệu lực và những cảnh sát đó không hề quan tâm đến việc họ không thể thanh lý tài sản của tôi, trừ khi tôi bị Tòa án Hành chính tuyên thua án" – bà Yingluck nói thêm.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Straits Times
"Tôi đã đấu tranh để giành lấy những tài sản này, kể cả những tài sản mà cha mẹ tôi để lại. Tuy nhiên, tôi không thể bảo vệ được những tài sản này, dù chỉ là 1. Mỗi lần hay tin tài sản của tôi bị bán, tôi vô cùng đau buồn" – cựu Thủ tướng Thái Lan nói thêm.
Trước đó, bà Yingluck đã trốn khỏi Thái Lan vài ngày trước phiên tòa luận tội hồi 25-8-2017 với cáo buộc quản lý lỏng lẻo chương trình trợ giá gạo lúa gây thiệt hại lớn cho ngân sách.
Mặc dù vắng mặt, bà Yingluck vẫn bị Tòa án Tối cao tuyên 5 năm tù giam. Điều 44 cũng được kích hoạt và tài sản của bà bị Cục Thực thi Pháp luật tịch thu hoặc đóng băng.
Theo nhiều hãng thông tấn, chính phủ Serbia đã quyết định cấp quốc tịch cho bà Yingluck vào cuối tháng 6-2019, viện dẫn một điều khoản pháp lý nói rằng "một công dân nước ngoài có thể được cấp quốc tịch Serbia nếu phù hợp với các lợi ích quốc gia của Serbia".
Bình luận (0)