Trước đó vào ngày 23-5, bà Yingluck và một số thành viên gia tộc Shinawatra cùng các quan chức chính phủ bị lật đổ đã tới trình diện tại Bangkok theo lệnh triệu tập. Những người này sau đó bị giữ lại và được chuyển tới một địa điểm bí mật.
Vụ bắt giữ bà Yingluck nằm trong kế hoạch ngăn chặn các nhà lãnh đạo cấp cao tiếp xúc với người biểu tình nhằm tập hợp họ chống lại quân đội.
Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, Đại tá Winthai Suvaree cho biết bà Yingluck và hàng chục nhân vật lãnh đạo cấp cao khác vẫn an toàn và mục tiêu mà quân đội nhắm đến là đạt được một thỏa hiệp về chính trị. Ông Weerachon nói: “Đây là thời điểm để tất cả những người tham gia vào cuộc xung đột bình tĩnh và suy nghĩ lại. Chúng tôi không có ý định hạn chế tự do đi lại của họ mà chỉ đơn thuần nhằm giảm áp lực”.
Theo quy định của thiết quân luật, một cá nhân có thể bị giam giữ (dù không bị kết tội) tối đa một tuần.
Trong khi đó, nơi ở hiện tại của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn chưa được công bố kể từ lúc bà bị quân đội bắt và đưa đi hôm 23-5. Thông tin bà Yingluck bị bắt được Đảng Pheu Thai xác nhận vào thứ bảy, 24-5. “Chúng tôi không chắc chắn về nơi ở của bà Yingluck vì quân đội đã tịch thu toàn bộ điện thoại di động của bà và các phụ tá đi cùng. Bà ấy không hoàn toàn được tự do vì có các binh lính giám sát” – nguồn tin từ Pheu Thái cho biết.
Còn tờ Bangkok Post dẫn nguồn tin quân đội nói rằng bà Yingluck đã được chuyển đến một căn cứ quân sự không xác định nằm ở tỉnh Saraburi phía bắc thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, một phụ tá thân cận của bà Yingluck khẳng định cựu Thủ tướng Thái Lan vẫn an toàn và không bị giam giữ trong doanh trại quân đội. Người này sau đó không tiết lộ gì thêm.
Kể từ thời điểm lệnh giới nghiêm được áp đặt trên cả nước, quân đội Thái Lan cấm các nhóm tụ tập trên 5 người, đồng thời kiểm duyệt chương trình trên các phương tiện truyền thông. Dù vậy, hành động này cũng không ngăn cản được làn sóng biểu tình “chống đảo chính” đang ngày càng dâng cao.
Bình luận (0)