Hội đồng Cải cách Quốc gia (NRC) do chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bầu lên sẽ xem xét dự thảo Hiến pháp vào ngày 22-8 tới.
Cựu Thủ tướng Yingluck hôm 17-8 bày tỏ sự nghi ngờ trên trang Facebook cá nhân: “Nhiều người tỏ ra quan tâm và lo lắng. Một Hiến pháp dân chủ phải liên kết chặt chẽ với công chúng và đề cao tầm quan trọng của người dân trong việc ra quyết định”.
Dự thảo mới bao gồm đề nghị thành lập một ủy ban quốc gia về chiến lược cải cách và hòa giải do quân đội chi phối, cho phép lực lượng an ninh can thiệp vào các cuộc khủng hoảng. Bà Yingluck nhấn mạnh không cần phải thành lập một hội đồng như vậy để chi phối chính phủ và các cơ quan lập pháp ra quyết định, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Chính trị Thái Lan đã bị chia rẽ trong 1 thập kỷ giữa cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai bà Yingluck và phe bảo hoàng – quân sự. Những người chỉ trích nói rằng dự thảo hiến pháp mới nhằm mục đích ngăn ông Thaksin trở lại chính trường, kể từ khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 vì cáo buộc tham nhũng và thiếu tôn trọng nhà vua.
Dù phủ nhận nhưng ông Thaksin vẫn phải sống lưu vong từ năm 2008 và lên án cáo buộc nhằm vào ông là động cơ chính trị.
Còn chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi năm ngoái và tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền. Những người ủng hộ bà chỉ trích dự thảo hiến pháp sẽ tăng cường quyền lực cho quân đội.
Chính quyền quân sự cam kết một cuộc bầu cử vào năm 2016 nhưng cảnh báo nó có thể bị trì hoãn đến năm 2017 nếu dự thảo hiến pháp không được thông qua. Hôm 15-8, Đảng Puea Thai ủng hộ ông Thaksin chỉ trích dự thảo vì “không công nhận quyền lợi của nhân dân”.
Bình luận (0)