Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan ngày 12-7 đã có phán quyết về vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến biển Đông.
Vụ kiện thế kỷ và phán quyết lịch sử
Không chỉ vạch rõ những hành vi sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông, từ xây đảo nhân tạo trái phép tới can thiệp vào việc đánh bắt, PCA còn ra phán quyết rõ ràng: Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Tòa trọng tài kết luận: Theo các quyền được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” - thông cáo của PCA rêu rõ.
Tờ The Wall Street Journal nhận định đây là nội dung quan trọng nhất trong phán quyết của PCA. Trong khi đó, bà Tạ Yến Mỹ, nhà phân tích của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG, trụ sở ở TP Brussels - Bỉ), cho rằng phần phán quyết này đi xa hơn dự đoán của mọi người. “Tòa án đã bác bỏ thẳng thừng “đường 9 đoạn”. Đó là phán quyết mạnh nhất mà họ có thể đưa ra. Trung Quốc đối mặt một phán quyết bất lợi hơn nhận định của mọi người” - bà Tạ Yến Mỹ nhận định với tờ Financial Review.
Không chỉ phủ nhận quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Đông, PCA còn khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế bởi gây ra “tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô” và không ngăn cản ngư dân nước mình đánh bắt quy mô lớn loài rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như các sinh vật khác. Theo phán quyết dài 497 trang của PCA, một số đá và rạn san hô tranh chấp ở biển Đông quá nhỏ để Trung Quốc sử dụng để tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, đồng thời không có hòn đảo nào ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) có thể thiết lập các cơ sở quân sự.
Một kết luận đáng chú ý khác của PCA là “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này”, trong đó có can thiệp hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo và không ngăn chặn được ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực này.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phá hủy bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở biển Đông bằng hoạt động xây dựng đảo của mình. Tờ Financial Review (Úc) cho rằng nội dung phán quyết này sẽ tăng sức ép buộc Trung Quốc chấm dứt chương trình bồi đắp, xây dựng trái phép ở biển Đông.
Gia tăng sức ép
Phán quyết của PCA đã đặt Trung Quốc trước ngã rẽ quan trọng khi nền kinh tế số 2 thế giới đang trên đường tìm kiếm vị thế cường quốc mà họ thèm khát từ lâu.
Theo báo The New York Times, đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc bị gọi tên trước hệ thống công lý quốc tế và các quốc gia láng giềng hy vọng kết quả vụ kiện sẽ giúp ích trong quá trình đàm phán với Bắc Kinh hoặc thách thức các chiến thuật hung hăng của họ tại khu vực.
Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của PCA là điều có thể lường trước được. Tối 12-7 (giờ địa phương), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm hay hành động nào dựa trên phán quyết của PCA. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “không chấp nhận và không công nhận” phán quyết, đồng thời tái khẳng định các đảo, đá mà nước này đang kiểm soát có vùng đặc quyền kinh tế và ngư dân nước này đã hoạt động trong khu vực suốt 2.000 năm qua. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng tìm cách lên gân trước thềm phán quyết khi tuyên bố dù kết quả vụ kiện thế nào đi nữa thì cũng không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Philippines nhanh chóng hoan nghênh phán quyết của PCA. Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói Philippines tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt và góp phần duy trì luật pháp quốc tế này. “Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu thận trọng về phán quyết vụ kiện. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cần giữ bình tĩnh và kiềm chế” - ông Yasay phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày.
Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte lập tức triệu tập họp nội các ngay sau khi PCA ra phán quyết. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của ông Duterte, Ernesto Abella, cho biết Chính phủ Philippines xem lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Mỹ, đồng minh của Philippines, cũng thúc giục tất cả các bên tránh có những hành động, tuyên bố khiêu khích sau phán quyết của PCA. “Phán quyết của PCA đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung: Tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở biển Đông” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ. Ông Kirby nhấn mạnh Mỹ vẫn đang nghiên cứu phán quyết nhưng ủng hộ nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở biển Đông.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), nhìn chung cũng kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của PCA. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố cho rằng đây là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý và các bên liên quan phải tuân thủ. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully hy vọng phán quyết có thể cung cấp một nền tảng để giải quyết những vấn đề lâu dài và phức tạp ở biển Đông.
Bình luận (0)