Nhật Bản và Philippines đang đàm phán về việc chuyển giao 2 tàu tuần duyên đa nhiệm cỡ lớn (dài 90 m) nhằm giúp Manila tăng cường tuần tra biển Đông. Ông Masato Ohtaka, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hôm 12-8 cho biết chính phủ hai bên đang xem xét khả năng chuyển giao tàu lớn hơn cũng như bàn thảo về cách thức Nhật Bản có thể giúp Philippines tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.
Theo Reuters, Tokyo dự kiến bắt đầu chuyển giao 10 tàu tuần duyên cỡ vừa (dài khoảng 44 m) có giá trị 188,52 triệu USD cho Philippines vào tuần tới. Trong nỗ lực mời gọi Manila, Tokyo tuyên bố sẽ đầu tư 2,4 tỉ USD xây dựng tuyến đường sắt mới nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông ở Philippines. Tokyo thậm chí để ngỏ khả năng tham gia xây dựng tuyến đường sắt ở đảo Mindanao - một dự án mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói đã được Bắc Kinh đề nghị tài trợ.
Việc Philippines tăng cường tìm kiếm sự giúp đỡ của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh số lượng tàu hải cảnh Trung Quốc đến bãi cạn Scarborough tăng đột biến trong vài tuần qua. Trang The Washington Free Beacon (Mỹ) dẫn các nguồn tin tình báo cho hay số tàu hải cảnh Trung Quốc loanh quanh ở Scarborough đã lên tới hơn 10 tàu so với mức chỉ 2-3 tàu trước đó. Lần gần đây nhất Trung Quốc điều một số lượng tàu nhiều như thế đến Scarborough là vào tháng 4-2012 nhằm ngăn cản tàu Philippines đến gần và chiếm quyền kiểm soát khu vực này.
Các chuyên gia quân sự tin rằng việc tăng cường hiện diện ở Scarborough là bước đầu tiên để Trung Quốc bắt đầu quá trình cải tạo nơi đây. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng cảnh báo quân sự hóa Scarborough là “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc không nên bước qua bởi nó có thể dẫn đến phản ứng của cả Mỹ và các bên khác trong khu vực. Dù chưa có hành động cụ thể nhưng Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, khẳng định trước mắt Washington sẽ theo sát tình hình.
Ngoài ra, những hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ công bố mới đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng nhà chứa máy bay trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Một loạt khiêu khích nói trên của Trung Quốc được xem là hành động đáp trả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hôm 12-7. Bất chấp sự coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 11-8 cho biết Philippines có thể tiếp tục kiện Trung Quốc lên PCA về hành vi phá hủy môi trường biển Đông. Trước đó, phán quyết PCA kết luận Trung Quốc vi phạm Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) trong vấn đề bảo vệ và bảo tồn môi trường biển.
Song song những bước đi cứng rắn trên, Philippines cũng muốn tiến hành thảo luận trực tiếp với Trung Quốc để tránh căng thẳng thêm gia tăng. Phát biểu tại Hồng Kông hôm 12-8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, đặc phái viên của Manila, cho biết ông và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã thảo luận vấn đề quyền đánh cá nhưng không đề cập chủ quyền bãi cạn Scarborough. Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp, hai bên nhất trí cần đàm phán nhiều hơn để xây dựng lòng tin, giúp giảm căng thẳng và mở đường cho sự hợp tác toàn diện.
Tuyên bố cũng nêu rõ cả Bắc Kinh và Manila sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác đánh bắt cá, bảo tồn hàng hải, du lịch nhưng không đề cập vấn đề biển Đông và phán quyết của PCA.
Bình luận (0)