Theo dự báo, thành phố này sẽ có khói mù dày đặc từ ngày 19-12 cho đến 22-12. Tình hình đó sẽ khiến một khu vực rộng lớn từ TP Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc, tới Cáp Nhĩ Tân ở phía Đông Bắc bị ảnh hưởng. Sương mù và khói bụi ô nhiễm sẽ khiến tầm nhìn ở những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất như Bắc Kinh giảm xuống dưới 1 km. Do đó, chính quyền sẽ áp dụng một số biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng ô tô và đóng cửa trường học, tạm ngừng sản xuất cũng như thi công, khuyến cáo người dân không đi ra ngoài và đóng cửa trường học.
Ngay khi cảnh báo được đưa ra, cư dân mạng nước này tỏ ra cực kỳ bức xúc. “Lại nữa sao!” - một người dùng Weibo với tên JingjingchuchuV than thở.
Một nhà phát triển phần mềm 34 tuổi họ Trịnh ở Bắc Kinh, nói: “Tôi rất lo ngại về tình trạng ô nhiễm. Thiết nghĩ chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết dứt điểm”.
Trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc Trần Cát Ninh đã cam kết sẽ xử phạt các cơ quan, quan chức thất bại trong công tác ứng phó ô nhiễm.
Hệ thống cảnh báo 4 mức của Trung Quốc hiện nay đã được thiết lập cách đây khoảng 2 năm, nhưng mức cảnh báo đỏ (mức cao nhất) chưa từng được sử dụng cho đến tháng 12. Các ngành công nghiệp sản xuất điện bằng than và hệ thống sưởi ấm, vốn được sử dụng nhiều ở Bắc Kinh trong mùa đông, là nguyên nhân chính gây ra sương mù và tình hình càng thêm tồi tệ do điều kiện thời tiết và địa lý của thành phố.
Hiện nguồn cấp điện của Trung Quốc vẫn phụ thuộc tới 60% vào than đá dù nước này đã đầu tư lớn vào các nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tháng 12, Trung Quốc đã tham gia thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, trong đó yêu cầu các nước từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong dài hạn.
Bình luận (0)