Ngoài ra, tàu tuần tra Philippines còn không bị tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rầy khi tuần tra gần bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Manila chiếm giữ trái phép). Nhận xét về động thái này, giáo sư Rommel Banlaoi - Giám đốc Trung tâm Tình báo và Nghiên cứu an ninh quốc gia (một nhóm nghiên cứu phi chính phủ ở Philippines) - cho rằng Bắc Kinh tỏ ra nhượng bộ để lấy lòng tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ngoài ra, một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách “xuống giọng” với Manila trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông trong những tuần tới. Trong khi đó, ông Andrei Chang, người sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, lại cho rằng Trung Quốc trở nên thận trọng hơn đối với vấn đề bãi cạn Scarborough kể từ khi Lầu Năm Góc cảnh cáo sẽ “hành động” nếu Bắc Kinh tiếp tục hoạt động cải tạo ở đó.
Một mặt có vẻ nhượng bộ Philippines nhưng mặt khác, Trung Quốc sử dụng chiêu trò viện trợ để lôi kéo các nước ở Nam Thái Bình Dương hậu thuẫn hành vi xây đảo nhân tạo phi pháp của mình ở biển Đông. Theo báo The Sydney Morning Herald (Úc), Vanuatu trở thành quốc gia đầu tiên ở Thái Bình Dương công khai cam kết ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông ngày một căng thẳng. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhắm đến Samoa, Tonga và Papua New Guinea trong chiến dịch ngoại giao này. Tuy nhiên, không phải nỗ lực lôi kéo nào của Bắc Kinh cũng thành công. Trung Quốc trước đó từng tuyên bố có được sự ủng hộ của Fiji nhưng thông tin này lập tức bị bác bỏ.
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần trước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc Quan Hữu Phi thẳng thừng tuyên bố nước này sẽ không công nhận phán quyết của PCA. Chuyên gia Greg Raymond, nhà nghiên cứu tại Trường Coral Bell về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc, nhận định một bước đi như thế thể hiện thái độ coi thường luật pháp quốc tế.
Theo ông Raymond, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi đó có thể bàn về một nghị quyết cho vấn đề này bởi hành động phớt lờ phán quyết của PCA sẽ làm xói mòn uy tín của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Ngoài ra, với lập luận căng thẳng biển Đông có nguy cơ gây xung đột quốc tế, Hội đồng Bảo an có thể xem vấn đề này thuộc thẩm quyền xem xét của mình.
Bình luận (0)