Chủ nhân của phần xương tay trên là ông Nguyễn Quang Hùng, một chiến sĩ Việt Nam. Năm 1966, ông Hùng bị thương nặng và bác sĩ Axelrad chính là người chữa trị. Phần xương tay mà bác sĩ Axelard phẫu thuật đã theo ông về quê nhà Texas và nằm im lìm trong tủ hơn 40 năm. Phải đến năm 2011, bác sĩ Axelrad mới lấy phần xương ra lại.
Gặp lại nhau ở thị xã An Khê, Gia Lai - nơi ông Hùng đang sinh sống, ông Hùng hết sức bất ngờ khi biết có người giữ xương của ông lâu đến thế. “Tôi rất vui khi gặp lại ông ấy cũng như một phần cơ thể mình sau gần nửa thế kỷ. Tôi tự hào vì đã hy sinh xương máu cho đất nước thông nhất. Tôi may mắn hơn rất nhiều so với các đồng đội đã ngã xuống hay những chiến sĩ vô danh” - ông Hùng trả lời hãng tin AP qua điện thoại.
Bác sĩ Axelrad trao lại phần xương tay cho ông Hùng (trái) và tấm ảnh chụp 2 người vào tháng 1-1967 (phải).
Ảnh: AP
Năm nay đã 73 tuổi, ông Hùng kể bị lính Mỹ bắn trúng tay vào tháng 10-1966 trong một cuộc phục kích cách An Khê khoảng 75 km. Sau khi lội xuống suối trốn thoát, ông ẩn nấp 3 ngày trong một kho gạo và được trực thăng Mỹ đưa đến bệnh viện quân y ở Phù Cát, Bình Định. Lúc người bác sĩ 27 tuổi Axelrad đến chữa trị, ông Hùng đã nguy kịch và cẳng tay phải chuyển thành màu đỏ bầm. Bác sĩ Axelrad quyết định cắt rời phần cẳng tay từ cùi chỏ trở xuống để cứu ông Hùng không mất mạng vì nhiễm trùng.
Sau đó, bác sĩ Axelrad cho róc thịt khỏi phần xương, chỉnh lại ngay ngắn và giữ nó để “nhớ đến một việc làm đúng đắn”. 6 tháng sau đó, ông rời Việt Nam và không muốn bỏ phần xương ở lại. Nhiều thập kỷ trôi qua, phần xương nằm im lìm trong chiếc túi quân y của bác sĩ Axelrad cùng nhiều vật dụng khác vì ông quả thật không muốn khơi gợi lại những trải nghiệm đắng cay của chiến tranh.
Mãi đến năm 2011, ông mới quyết định cho phần xương ra khỏi vùng quên lãng. Mùa hè năm sau, ông đến Việt Nam, chủ yếu là để nghỉ mát nhưng vẫn tìm cách gặp lại người lính xưa. Không chắc ông Hùng còn sống nhưng bác sĩ Axelrad vẫn tìm đến An Khê.
Cuộc hội ngộ kì lạ của 2 người ở 2 bên chiến tuyến sau gần nửa thế kỉ. Ảnh: AP
Mấy tháng làm việc với đại sứ quán Mỹ nhưng không có kết quả, tình cờ, bác sĩ Axelrad gặp một phóng viên khi tham quan hầm ngầm thời chiến tranh tại khách sạn Metropole ở Hà Nội. May sao, bài báo về ý nguyện gửi lại phần xương cho chủ nhân đã đến tay em rể của ông Hùng đang sống ở TP HCM.
Khi bác sĩ Axelrad đến An Khê ngày 1-7, ông Hùng đã làm cơm đãi ông, cùng ôn lại những ký ức về một thời đã qua. “Đây là lúc khép lại câu chuyện” - bác sĩ Axelrad nói.
Bình luận (0)