Với nhiều người từng chứng kiến cuộc chiến đấu bền bỉ và chông gai của vị bác sĩ sinh năm 1955 này, ông vô cùng xứng đáng được công nhận vì những nỗ lực phi thường, mạo hiểm để chữa trị, yêu thương và tôn vinh phụ nữ.
"Khâu lành" nỗi đau
Trong bài viết trên báo The Guardian (Anh) hôm 5-10, nhà sáng lập của phong trào V-Day nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ vào trẻ em - bà Eve Ensler khẳng định có rất nhiều lý do tại sao thế giới cần phải biết câu chuyện của bác sĩ Mukwege - người đã thành lập Bệnh viện Panzi và đồng sáng lập cộng đồng City of Joy ở Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi trú ẩn hiếm hoi cho những phụ nữ bị cưỡng bức.
Nhiều nhà báo tìm tới phỏng vấn bác sĩ Mukwege thường bắt gặp ông từ phòng mổ bước ra. Và đôi mắt của vị lương y đáng kính luôn gây ấn tượng mạnh với bất cứ ai: Đỏ ngầu như chất chứa tất cả những đớn đau mà ông phải chứng kiến.
Bác sĩ Denis Mukwege đã chữa trị cho hàng ngàn nạn nhân bị cưỡng hiếp bạo lực ở Congo Ảnh: THE NEW YORK TIMES
"Tôi vẫn nhớ khi tới Bệnh viện Panzi, tôi nhìn thấy vây quanh ông Mukwege là hàng trăm những người sống sót qua bạo lực tình dục đã được ông chữa trị và nâng đỡ tinh thần. Trong nhiều năm, bác sĩ Mukwege đã khâu vá bộ phận sinh dục cho những nạn nhân bị hãm hiếp. Việc đó trải dài trong suốt những năm tháng cơn khát của thế giới với khoáng sản ở Congo đã thổi bùng xung đột dai dẳng ở quốc gia Trung Phi này" - bà Ensler kể lại cuộc phỏng vấn đầu tiên với ông Mukwege vào năm 2006.
Bệnh viện Panzi được thành lập vào năm 1999, ở Bukavu với mục đích ban đầu là chăm sóc phụ khoa và sản phụ nhưng phải nhanh chóng chuyển sang chữa trị những người sống sót của đại dịch bạo lực tình dục đang lên tới đỉnh điểm lúc đó. Trong khoảng 40.000 nạn nhân được bác sĩ Mukwege và đồng nghiệp chữa trị có những trường hợp mới 2 tuổi và thậm chí những cụ già ở độ tuổi 80.
Cưỡng hiếp và bạo lực tình dục đã bị lạm dụng làm vũ khí chiến tranh từ khi xung đột bắt đầu ở Congo từ năm 1995. Cuộc chiến cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 triệu người đã chính thức kết thúc vào năm 2003 nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở phía Đông, nơi tình dục được coi là chiến thuật để hủy hoại cộng đồng nhằm kiểm soát các nguồn khoáng sản dồi dào. Cách đây vài năm, giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã gọi Congo là "thủ đô cưỡng hiếp" của thế giới!
Từng phỏng vấn ông Mukwege cách đây khoảng 10 năm, nhà báo Jeffrey Gettleman - Trưởng đại diện khu vực Đông Phi của báo The New York Times (Mỹ) từ năm 2006-2017 - vẫn chưa hết ám ảnh với những vết thương rùng rợn tới khó tin của những nạn nhân được đưa tới chỗ của "bác sĩ phép mầu".
"Khi các nạn nhân tới (bệnh viện), vết thương trên cơ thể từng người đã tố cáo chuyện xảy ra ở đâu". Bác sĩ Mukwege chia sẻ: "Ở Bunyakiri, chúng đốt mông của phụ nữ. Ở Fizi-Baraka, chúng bắn vào bộ phận sinh dục của phụ nữ. Ở Shabunda, chúng dùng lưỡi lê!".
"Nhiều bé gái bị bạo hành vùng kín khi còn quá thơ dại, tới mức chúng không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình! Ai có thể tưởng tượng nổi có kẻ nhẫn tâm tới mức đày đọa thân xác của một đứa trẻ 3 tuổi!" - bác sĩ Mukwege phẫn nộ.
Biến nỗi đau thành sức mạnh
Theo nhà báo Gettleman, vị bác sĩ mang dáng vóc cao lớn và vững chãi thường nói gần như thì thầm, như thể ông biết sẽ phải đối mặt với những trận chiến lớn hơn và cần phải chắt chiu từng chút sức lực hoặc có thể ông đã quá kiệt sức khi mỗi ngày phải gồng mình chiến đấu với tử thần tới hàng chục lần để cứu sống những bệnh nhân đặc biệt của mình.
Không chỉ cứu mạng hàng chục ngàn phụ nữ và các bé gái, các nạn nhân của cưỡng hiếp và bạo lực tình dục, vị bác sĩ từng tu nghiệp ở Pháp này còn đi khắp thế giới để lôi kéo sự chú ý tới những số phận tận cùng khổ đau này: Từ LHQ tới Nghị viên châu Âu và cả Washington DC.
Suốt nhiều năm, tiếng nói của ông rơi vào thinh không và dường như chẳng ai muốn nghe. Thế nhưng, Mukwege cùng với những phụ nữ sống sót vẫn bền bỉ lên tiếng, thức tỉnh thế giới về tình trạng sử dụng cưỡng hiếp làm vũ khí chiến tranh trong cuộc xung đột vũ trang ở Congo cũng như những điểm nóng khác.
Theo nhà hoạt động Ensler, vào ngày giải Nobel Hòa bình được công bố tại thủ đô Oslo của Na Uy hôm 5-10, bà nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Mukwege. Không khó nhận ra tiếng hát và nhảy múa của những người phụ nữ xung quanh ông vọng vào điện thoại. "Ông nói rằng ông chia sẻ giải thưởng này với những nạn nhân sống sót và những nhà hoạt động khắp thế giới đã làm việc suốt nhiều thập kỷ để chấm dứt sự áp bức của bạo lực tình dục. Những người sống sót không chỉ cần sự công nhận mà còn cần được bù đắp và giải thoát" - bà Ensler chia sẻ.
Năm 2011, cùng với đạo diễn Christine Schuler Deschryver, bác sĩ Muwkege và bà Ensler đã thành lập một nơi trú ẩn để chữa trị và một trung tâm cách mạng gọi là City of Joy ở Bukavu, Congo. Đây là nơi phụ nữ bị cưỡng hiếp được chữa trị, xây dựng lại cuộc đời và được đào tạo để trở lại cộng đồng trong vị thế mới. Tới nay, 1.117 phụ nữ đã tốt nghiệp, trở thành các thủ lĩnh trong cộng đồng của họ và tạo ra một mô hình mới biến nỗi đau thành sức mạnh.
Sống trong nguy hiểm
Năm 2012, trong bài phát biểu tại LHQ, ông Mukwege lên án kịch liệt cuộc xung đột ở Congo, kêu gọi những kẻ chịu trách nhiệm phải đối mặt với công lý, đồng thời lên án "sự im lặng cũng như thiếu can đảm của cộng đồng quốc tế".
Ngay sau đó, các tay súng vũ trang bắt cóc con gái của vị bác sĩ và tìm cách bắn ông. Một nhân viên bảo vệ của ông đã bị bắn chết trong khi ông thoát làn đạn trong gang tấc. Kẻ tấn công trốn thoát. Bác sĩ Mukwege phải đưa gia đình sang Thụy Điển và sau đó tới Brussels - Bỉ, sống lưu vong 3 tháng cho tới khi những phụ nữ ở Bukavu khẩn thiết xin ông quay về. Ngày ông trở về, họ xếp hàng dài trên đường chào đón. Tới nay, vị bác sĩ sống trong sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại bệnh viện của ông.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-10
Kỳ tới: Đội quân "Con gái mặt trời"
Bình luận (0)