xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người hùng chống bạo lực tình dục

ĐỖ QUYÊN

Hai con người phi thường vừa được trao giải Nobel Hòa bình năm nay vì "những nỗ lực chấm dứt dùng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh"

Đó là cô Nadia Murad - một nạn nhân nô lệ tình dục đã đấu tranh không mệt mỏi vì công lý cho người dân Yazidi bị đày đọa vào thảm cảnh có thể gọi là diệt chủng và bác sĩ Denis Mukwege - người đã mạo hiểm cả mạng sống vì hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vượt qua ác mộng

Nadia Murad sống sót và thoát khỏi bi kịch tàn khốc nhất giáng vào dân tộc thiểu số Yazidi của mình ở Iraq trước khi trở thành nhà hoạt động nhân quyền. Cô được vinh danh người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai, đồng thời là người Iraq đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.

Người hùng chống bạo lực tình dục - Ảnh 1.

Bác sĩ Denis Mukwege (trái) và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2018 hôm 5-10 Ảnh: REUTER, EPA

Cô gái 25 tuổi gầy gò với đôi mắt buồn nhưng đầy cương nghị này từng sống cuộc đời bình lặng trong ngôi làng Kocho ở miền núi phía Bắc Iraq, gần biên giới Syria. Tuy nhiên, khi nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tràn vào những dải đất trải rộng trên lãnh thổ cả hai quốc gia Trung Đông năm 2014, số phận của cô gái trẻ thay đổi mãi mãi và ác mộng bắt đầu.

Một ngày tháng 8 năm đó, những chiếc xe bán tải mang cờ đen của IS ập vào làng Kocho. Chúng tàn sát đàn ông, bắt trẻ em và biến hàng ngàn phụ nữ thành nô lệ lao động và tình dục. Murad từng nói IS muốn "cướp đi tự trọng của người khác nhưng chúng lại đánh mất danh dự của mình". Chính cô cũng chịu đựng tội ác này trong 3 tháng đau đớn tận cùng.

Sau khi rơi vào tay IS, Murad bị đưa tới Mosul, thành trì của IS lúc đó. Suốt thời gian này, cô liên tục bị cưỡng hiếp tập thể, tra tấn và đánh đập. Như hàng ngàn cô gái Yazidi khác, Murad bị ép lấy một tay súng IS và bị giày vò tới tuyệt vọng. Sợ hãi và đau đớn, Murad tìm cách chạy trốn với sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo ở Mosul.

Nhờ giấy tờ giả, cô tới được vùng đất của người Kurd ở Iraq và gia nhập các nhóm người Yazidi tại những khu trại tị nạn. Ở đây, cô biết được 6 người anh em và mẹ mình đã bị IS giết hại. Với sự giúp đỡ của một tổ chức hỗ trợ người Yazidi, Murad đoàn tụ với chị gái ở Đức và sinh sống ở đây cho tới nay.

Cô gái trẻ đang là Đại sứ thiện chí Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho những người sống sót của nạn buôn người, đã cống hiến hết mình cho điều mà cô gọi là "cuộc chiến của dân tộc", trở thành tiếng nói toàn cầu thậm chí trước cả khi phong trào #MeToo nhằm chống quấy rối và bạo hành tình dục lan tỏa khắp thế giới.

Tiếng nói của Murad đã giúp đòi công lý cho dân tộc cô và khiến quốc tế công nhận những hành vi của IS là diệt chủng. Hội đồng Bảo an LHQ năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS.

Người đàn ông chữa lành cho phụ nữ

Cũng theo đuổi một cuộc đấu tranh vẫn còn nhiều chông gai, người chia sẻ giải Nobel Hòa bình 2018 với Murad, bác sĩ Mukwege, đã cống hiến cả cuộc đời để hàn gắn những cơ thể bị bạo lực đày đọa. Vị bác sĩ 63 tuổi có biệt danh "người đàn ông chữa lành cho phụ nữ" vì công việc của ông cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Panzi là chữa trị cho hàng chục ngàn phụ nữ và các bé gái, các nạn nhân của cưỡng hiếp và bạo lực tình dục - vốn được sử dụng làm vũ khí chiến tranh kể từ khi xung đột bắt đầu ở Congo năm 1995.

Ở một quốc gia đã bị chiến tranh giày xéo, Bệnh viện Panzi nằm trên ngọn đồi ở thị trấn Bukavu là nơi trú ẩn hiếm hoi cho những phụ nữ bị cưỡng bức. Nhiều nạn nhân đến từ hàng trăm dặm xa xôi đã được bác sĩ Mukwege chữa lành vết thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nạn sử dụng cưỡng hiếp làm vũ khí ở Congo đã được thông tin rộng rãi. Dù con số chính xác các nạn nhân vẫn chưa thể kiểm chứng nhưng LHQ ước tính hơn 200.000 phụ nữ Congo là những người sống sót qua cưỡng hiếp.

Ông Mukwege không khỏi xúc động khi kể lại những vết thương rùng rợn của một trong những bệnh nhân ông tiếp nhận vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến năm 1999. "Họ đưa tới một phụ nữ bị nhiều kẻ mặc quân phục cưỡng hiếp. Cô ấy không chỉ bị hiếp dâm. Chúng còn bắn vào bộ phận sinh dục của cô gái. Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như vậy. Tôi đã nghĩ đây là một trường hợp vô cùng hy hữu, hành động này hẳn là của một kẻ điên. Tôi không thể tưởng tượng nó sẽ trở thành công việc tôi phải làm có thể suốt phần đời còn lại" - ông Mukwege nói với CNN.

Sự nghiệp của bác sĩ Mukwege đã kéo dài hơn 20 năm và trong khoảng thời gian đó ông đã chữa trị cho hàng chục ngàn phụ nữ. Những phụ nữ ở Bệnh viện Panzi coi ông như một người cha. Ngoài chữa bệnh cho họ, ông còn giúp họ làm lành những vết thương tâm lý khi luôn khẳng định: "Em không bị hủy hoại. Chúng muốn hủy hoại em nhưng em vẫn là một phụ nữ và em cần phải mạnh mẽ". 

Không ngừng nghỉ

Nadia Murad tuyên bố dành toàn bộ 500.000 USD tiền thưởng từ giải Nobel Hòa bình để giúp đỡ nạn nhân của tội phạm tình dục và các tộc người thiểu số ở Iraq. Hiện cô và người bạn tên là Lamia Haji Bashar - cùng được vinh danh giải nhân quyền Sakharov 2016 của Liên minh châu Âu (EU), tiếp tục tranh đấu cho 3.000 nạn nhân Yazidi đang mất tích, được cho là vẫn bị giam giữ.

Trong khi đó, bác sĩ Mukwege bất chấp sự đe dọa tới tính mạng của bản thân và cả sự an toàn của gia đình, vẫn không chùn bước với con đường ông đã lựa chọn: Giải quyết bạo lực không chỉ bằng dao mổ và những mũi khâu mà còn với sự ủng hộ của công chúng.

"Tôi đã phẫu thuật cho một người mẹ rồi 15 năm sau tôi phẫu thuật cho con gái của người mẹ ấy và 3 năm sau tôi phẫu thuật cho cháu gái - mới chỉ là một đứa bé... Tôi tự nhủ câu trả lời không đến từ phòng mổ" - vị bác sĩ nói và thẳng thừng chỉ ra cơn khát toàn cầu với khoáng sản, trước đó là cao su, đã thổi bùng xung đột dai dẳng ở Congo. "Tôi nhất thiết phải nói với thế giới, cho thế giới thấy rằng phải có trách nhiệm tập thể đối với những vấn đề ở Congo. Cùng là con người, chúng ta không thể tiếp tục cho phép những cuộc chiến kinh tế giày xéo trên thân xác phụ nữ" - bác sĩ Mukwege nhấn mạnh.

Kỳ tới: Vũ khí đau đớn nhất

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo