xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao tranh Azerbaijan - Armenia: Bài toán khó chờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ

Hoàng Phương

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đồng minh của Azerbaijan trong lúc Nga có ký kết hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia

Giao tranh dữ dội giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng người Armenia tiếp tục trong ngày 28-9 tại dọc biên giới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh bất chấp cộng đồng quốc tế thúc giục hai bên ngưng bắn. Theo đài RT, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng và gây thương vong nặng nề cho phía bên kia kể từ khi chiến sự nổ ra một ngày trước đó.

Nagorno-Karabakh là khu vực nằm bên trong Azerbaijan nhưng đang được người Armenia sống tại đó quản lý và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia, quốc gia đang hỗ trợ quân sự và tài chính cho nơi này.

Vụ giao tranh giữa Azerbaijan và lực lượng ly khai Armenia tại Nagorno-Karabakh từ ngày 27-9 được xem là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng người Armenia tấn công thị trấn Terter có khoảng 19.000 người và cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng nếu hành động này không chấm dứt. Ngoài ra, chính quyền Baku cho hay ít nhất 550 quân nhân Armenia thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc phản công của Azerbaijan. Trong khi đó, con số thiệt mạng được chính quyền Nagorno-Karabakh đưa ra là 31 người.

Theo Reuters, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 28-9 ký sắc lệnh động viên sau khi cáo buộc lực lượng Armenia chiếm giữ lãnh thổ nước này. Trước đó một ngày, chính quyền Nagorno-Karabakh và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ban bố thiết quân luật và ra lệnh tổng động viên nhằm chống lại "cuộc xâm lược" của Azerbaijan.

Ông Pashinyan cũng nói với các nghị sĩ rằng Armenia nên "nghiêm túc thảo luận" về việc công nhận sự độc lập của Nagorno-Karabakh để phản ứng lại tình hình căng thẳng leo thang tại đó.

Giao tranh Azerbaijan - Armenia: Bài toán khó chờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Người dân bên trong hầm tránh bom ở Stepanakert, thủ phủ của khu vực Nagorno-Karabakh hôm 28-9 Ảnh: Reuters

Xung đột xảy ra thường xuyên tại vùng Nam Caucasus kể từ khi người Amernia kiểm soát Nagorno-Karabakh và 7 huyện xung quanh trong cuộc chiến nổ ra sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong năm 2016 trước khi Nga gây sức ép để 2 bên nối lại thỏa thuận ngừng bắn được ký năm 1994 nhờ nỗ lực trung gian của Moscow. Dù vậy, chiến sự tiếp tục xảy ra tại biên giới Nagorno-Karabakh hồi tháng 7 qua.

Đáng chú ý, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với hai bên đang đối đầu nhau nói trên, đe dọa làm xấu thêm mối quan hệ song phương vẫn chưa hết căng thẳng vì xung đột ở Syria và Libya. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đồng minh của Azerbaijan và hai quốc gia này vừa tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn vào tháng rồi. Trong khi đó, theo trang Bloomberg, Nga có ký kết hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia và đặt một căn cứ quân sự tại nước này.

Theo đài Al Jazeera, xung đột dai dẳng nói trên khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, bởi nó đe dọa sự ổn định của Nam Caucasus, khu vực được xem là hành lang của các đường ống dẫn dầu khí đến các thị trường trên thế giới.

Vùng này hiện có các dự án năng lượng và vận tải kết nối Trung Á và châu Âu. Trong số này, một đường ống do Tập đoàn BP (Anh) vận hành đang vận chuyển 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ Azerbaijan đến TP Ceyhan - Thổ Nhĩ Kỳ. Nằm cách khu vực xảy ra xung đột chưa đến 50 km, đường ống này không là mục tiêu trong các cuộc đụng độ trước đó nhưng mọi chuyện có thể thay đổi nếu giao tranh hiện nay ngày một nghiêm trọng.

Trước mắt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tái diễn của các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn và kêu gọi ngăn các hoạt động thù địch trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Pashinyan hôm 27-9, theo tuyên bố của Điện Kremlin. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nước này hoàn toàn ủng hộ Azerbaijan sau cuộc điện đàm với Tổng thống Aliyev.

Các cuộc thảo luận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng gần như bị đình trệ kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết năm 1994. Pháp, Nga và Mỹ đã nỗ lực trung gian để thúc đẩy hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình nhưng không thành công. Giới quan sát chính trị giờ đây kêu gọi các cường quốc nên tăng cường đàm phán để ngăn chặn xung đột leo thang thành cuộc chiến quy mô lớn. 

Tâm điểm Nagorno-Karabakh

Khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh là tâm điểm của cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan. Theo luật pháp quốc tế, Nagorno-Karabakh được công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan này lại có đa số cư dân là người Armenia và họ không chấp nhận sự lãnh đạo của Azerbaijan.

Tranh cãi về Nagorno-Karabakh đã xuất hiện từ lâu. Vào đầu những năm 1920, quyền lãnh đạo của Liên Xô được thiết lập ở Nam Caucasus và Nagorno-Karabakh trở thành vùng tự trị nằm trong lòng Cộng hòa Azerbaijan khi còn thuộc Liên Xô, với hầu hết quyết định đều do Moscow đưa ra.

Nhiều thập kỷ sau đó, Liên Xô bắt đầu suy yếu nhưng người Armenia lại không chấp nhận để Nagorno-Karabakh chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ Azerbaijan. Đến năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu để gia nhập Cộng hòa Armenia nhưng bị cả chính phủ Azerbaijan lẫn Moscow phản đối. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, lực lượng ly khai Armenia chiếm vùng lãnh thổ này và 7 huyện lân cận. Ít nhất 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong cuộc chiến đẫm máu này.

Azerbaijan từng nhiều lần đe dọa tái chiếm Nagorno-Karabakh bằng sức mạnh quân sự. Mặc dù tuyên bố độc lập, Nagorno-Karabakh phụ thuộc lớn vào sự hậu thuẫn của Armenia và được quốc gia này cam kết bảo vệ.

Cao Lực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo