Hai nước thuộc Liên bang Xô viết cũ đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ liên quan đến tranh chấp vùng Nagorno-Karabakh, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.
Các cuộc đụng độ đã thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trong cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia, nơi có đông dân theo đạo Thiên chúa và Azerbaijan, nơi phần lớn dân số theo đạo Hồi.
Khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Al Jazeera
Nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng lại có đa số dân là người gốc Armenia, khu vực Nagorno - Karabakh tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột nổ ra sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Mặc dù lệnh ngừng bắn đã được các bên nhất trí vào năm 1994 sau khi hàng ngàn người thiệt mạng và nhiều người khác phải sơ tán, Azerbaijan và Armenia vẫn thường xuyên cáo buộc nhau tấn công quanh khu vực Nagorno-Karabakh và dọc biên giới hai nước.
Bất chấp nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với nỗ lực trung gian của Nhóm Minsk do Nga, Mỹ, Pháp đồng chủ tịch, xung đột vẫn diễn ra.
Các binh sĩ được nhìn thấy ở Mataghis thuộc Azerbaijan. Ảnh: AP
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này nhưng bất thành do cả hai đều xem vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Trong căng thẳng tái bùng phát hôm 27-9, lực lượng quân sự khu vực Nagorno-Karabakh cho biết ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 100 bị thương sau khi Azerbaijan không kích và pháo kích vào sáng cùng ngày (giờ địa phương).
Armenia và Nagorno-Karabakh đã ban bố thiết quân luật và huy động lực lượng.
Phía Azerbaijan, quốc gia cũng áp đặt thiết quân luật, cho biết lực lượng của họ đã đáp trả các cuộc pháo kích từ Armenia khiến 5 thành viên trong một gia đình thiệt mạng. Azerbaijan hôm 27-9 thông báo đã giành quyền kiểm soát 7 ngôi làng ở vùng Nagorno-Karabakh sau các cuộc đụng độ ác liệt.
Trong khi đó, Armenia cho biết lực lượng Azerbaijan cũng đã tấn công các mục tiêu dân sự bao gồm TP Stepanakert của Nagorno-Karabakh và cam kết sẽ có "phản ứng tương xứng".
Armenia phá hủy thiết bị quân sự của Azerbaijan. Ảnh: AP
Các vụ đụng độ được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 làm dấy lên lo ngại về sự ổn định ở Nam Caucasus, hành lang của các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường thế giới.
Trước tình hình này, một số nước trong nhóm Minsk đã kêu gọi hai bên kiềm chế. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27-9 nói rằng Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn bạo lực bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan. Nga đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ sẽ ủng hộ Azerbaijan.
Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi hai bên ngừng các hành động quân sự và quay trở lại đàm phán. Giáo hoàng Francis cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Trước đó, ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 4-2016. Ít nhất 16 người chết trong các cuộc đụng độ hồi tháng 7.
Bình luận (0)