Dù vậy, một nhóm nhà nghiên cứu vừa cảnh báo các dòng sông băng trên núi ở châu Á sẽ bị giảm ít nhất 36% khối lượng băng vào năm 2100 do tình trạng toàn cầu ấm dần lên, gây ra hậu quả thảm khốc cho hàng trăm triệu người phụ thuộc vào chúng để có nước sạch sử dụng.
Điều đáng nói, đây là kịch bản ít xấu nhất, dựa trên giả định rằng thế giới có thể ngăn nhiệt độ vào cuối thế kỷ này tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng 3,5, 4 hoặc 6 độ C, khối lượng băng trên núi ở châu Á sẽ giảm tương ứng 49%, 51% và 65% vào cuối thế kỷ này.
Dãy Himalaya Ảnh: HALFWAY ANYWHERE
Gần 200 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, với mục tiêu hạn chế nhiệt độ tăng không quá 2 độ C. Dù vậy, một cuộc nghiên cứu hồi tháng 7 cho thấy chỉ có 5% cơ hội đạt được mục tiêu này. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng thêm khoảng 1 độ C. Nếu dựa vào xu hướng hiện nay, một số chuyên gia dự đoán trái đất sẽ nóng thêm khoảng 3 độ C vào cuối thế kỷ này.
Đối với các kịch bản nhiệt độ tăng cao, các chuyên gia dự báo nước biển sẽ dâng lên nuốt chửng đất liền, các trận bão nghiêm trọng hơn, hạn hán và lũ lụt thường xuyên hơn, một số chủng loài sinh vật biến mất và dịch bệnh lây lan. Đáng ngại là, theo nghiên cứu nêu trên, các ngọn núi cao ở châu Á đang nóng nhanh hơn so với mức bình quân của toàn cầu. "Ngay cả khi nhiệt độ ổn định ở mức hiện nay, khối lượng băng vẫn tiếp tục giảm trong mấy thập kỷ tới" - các nhà nghiên cứu khuyến cáo.
Bình luận (0)