Nhiều động thái tương tự được kỳ vọng sẽ diễn ra sau khi Triều Tiên phớt lờ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 hôm 9-9.
Một báo cáo gần đây do các chuyên gia tại Trường ĐH Harvard (Mỹ) và Viện Công nghệ Massachusetts thực hiện cho thấy các biện pháp trừng phạt gia tăng trong những năm qua khiến Triều Tiên khôn khéo hơn trong việc trốn tránh và tìm kiếm những nguồn thu mua hàng hóa thay thế.
Tuy nhiên, Hàn Quốc rất tích cực thúc đẩy các đồng minh của Triều Tiên trừng phạt nước này với hy vọng kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có điều, giới chức Hàn Quốc từ chối cho biết liệu họ có “hối lộ” để các nước trừng phạt Triều Tiên hay không.
Xe tải chở hàng băng qua chiếc cầu nối từ tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc đến TP Sinuiju - Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Tờ Joongang Daily ngày 26-9 đưa tin giới chức Trung Quốc đang điều tra một ngân hàng Triều Tiên bị tình nghi tài trợ cho chính quyền Bình Nhưỡng nhập khẩu các hàng hóa có thể được sử dụng cho chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin của tờ báo, tập đoàn ngân hàng Kwangson đã được lệnh phải đóng cửa theo lệnh trừng phạt hồi tháng 3-2016 của Liên Hiệp Quốc song vẫn hoạt động lén lút ở thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc.
Kwangson là một nhánh của Ngân hàng Ngoại thương do chính phủ Triều Tiên điều hành, bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách đen năm 2009. Theo Joongang Daily, chi nhánh ở Đan Đông của Kwangson đã hoạt động ở tầng 13 trong tòa nhà của Tập đoàn Liaoning Hongxiang - công ty Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên.
Andrea Berger, phó giám đốc về phát triển và chương trình chính sách hạt nhân tại Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở Anh, cho hay: “Nếu những nước bằng hữu lâu năm tiếp tục công khai hạn chế các mối quan hệ của họ với Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ không còn nhiều nơi ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp hoặc chính trị từ nguồn vốn chính phủ”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Angola đã dừng tất cả các giao dịch thương mại với Triều tiên, cấm các công ty Bình Nhưỡng hoạt động trên lãnh thổ nước này kể từ Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mới từ hồi tháng 3 qua.
Trước đây, báo cáo năm 2016 của Liên Hiệp Quốc nghi ngờ Angola mua vũ khí của Triều Tiên. Hai nước còn hợp tác trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin và xây dựng.
Nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên cũng nằm trong mục tiêu trừng phạt. Đầu năm nay, Mỹ kêu gọi các nước hạn chế sử dụng lao động Triều Tiên khi có khoảng 50.000 người Bình Nhưỡng đang làm việc tại nước ngoài và kiếm từ 1,2 - 2,3 tỉ USD/năm cho chính phủ.
Ba Lan, nơi có 800 người Triều Tiên đang làm việc, đã ngừng cấp thị thực mới cho lao động Bình Nhưỡng. Malta cũng có động thái tương tự. Trong khi đó, Ukraine và Singapore hủy bỏ việc miễn thị thực đối với công dân Triều Tiên.
Trong khi một số tàu Triều Tiên bị nghi sử dụng cờ nước khác để ngụy trang trong việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp, một số quốc gia đã cấm tàu Bình Nhưỡng mang cờ của quốc gia mình. Mông Cổ, quốc gia từng là đồng minh thân cận của Triều Tiên, đã hủy cấp phép 14 tàu Triều Tiên treo cờ nước này. Campuchia cũng đã ngưng cho phép các tàu nước ngoài đăng ký treo cờ nước này từ tháng 8.
Khoảng 69 tàu trong tổng số 240 tàu chở hàng của Triều Tiên đã bị hoãn đăng ký treo cờ mới kể từ khi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được áp đặt từ tháng 3.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc vẫn là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Trung Quốc và Nga đang sử dụng một số lượng lớn lao động Triều Tiên. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng cũng đang tận dụng các nhân viên ngoại giao để mua hàng cấm và kiếm tiền cho chính phủ từ những hoạt động bất hợp pháp.
Bình luận (0)