Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao việc Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4, góp phần quan trọng vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Ngày 27-4, một trang sử mới đã mở ra trong mối quan hệ liên Triều khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Cuộc hội đàm sau đó giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã làm gia tăng hy vọng về một giải pháp cho chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Mở đầu cuộc gặp tại Nhà Hòa bình trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, hai nhà lãnh đạo cam kết "viết nên một chương mới" trong lịch sử của bán đảo Triều Tiên. "Đã mất 11 năm mới diễn ra thời điểm lịch sử này. Khi đến đây, tôi đã tự hỏi vì sao lại mất thời gian dài đến vậy" - ông Kim bày tỏ, cũng như hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ đạt được thỏa thuận về vũ khí hạt nhân và sự hợp tác liên Triều chứ không như trước đây.
Học sinh tại một trường tiểu học ở TP Gwangju, tỉnh Jeolla - Hàn Quốc hân hoan khi xem hình ảnh Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay. Ảnh: YONHAP
Sau cuộc gặp lịch sử, hai bên đã ký kết tuyên bố chung với tiêu đề "Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên", trong đó khẳng định với 80 triệu dân và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh nào trên bán đảo Triều Tiên nữa và vì thế một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước sẽ hướng đến tương lai của thịnh vượng chung và thống nhất. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ cùng nỗ lực giảm bớt tình trạng căng thẳng về quân sự và loại bỏ mối nguy hiểm của chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Văn kiện trên khép lại bằng thông báo Tổng thống Moon Jae-in đồng ý thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu này.
Trước khi tiến hành hội đàm vào buổi sáng và chiều, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau ngay tại biên giới trong động thái đầy tính biểu tượng. Sau khi bước qua giới tuyến quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên, ông Kim tuyên bố đây là "điểm khởi đầu" cho hòa bình.
Theo Reuters, hình ảnh hai nhà lãnh đạo nói đùa và bước đi cùng nhau trái ngược hẳn với những gì xảy ra trước đây khiến dư luận từng e ngại về nguy cơ xảy ra xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim nói với ông Moon rằng ông đến dự hội nghị thượng đỉnh để khép lại trang sử xung đột. Thêm vào đó, ông Kim còn bày tỏ ý muốn tham quan Nhà Xanh, tức Dinh Tổng thống Hàn Quốc, ở Seoul trong lúc bày tỏ mong muốn hai bên gặp mặt "thường xuyên hơn" trong tương lai.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đã nhận phản ứng tích cực xen lẫn thận trọng trên toàn cầu. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh cuộc gặp nhưng hối thúc Bình Nhưỡng có "hành động cụ thể" về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khác nữa. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "cuộc gặp lịch sử" sau "một năm phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân ồn ào". "Những điều tốt đẹp đang diễn ra nhưng thời gian sẽ minh chứng" - ông viết trên Twitter.
Điện Kremlin khen ngợi đây là "tin rất tích cực" và cho rằng cuộc đối thoại trực tiếp trên bán đảo chia cắt này đem lại kết quả tốt đẹp. Trung Quốc bày tỏ hy vọng tất cả các bên tiếp tục đối thoại và thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên.
Ấn tượng bên lề
.Nghi thức đậm nét văn hóa truyền thống Hàn Quốc hoặc kết hợp các yếu tố của hai miền Triều Tiên diễn ra xuyên suốt Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Giai điệu dân ca Arirang của Hàn Quốc vang lên trong nghi thức đầu tiên khi hai nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự.
Ảnh: Reuters
. Cây thông hòa bình: Trước khi bắt đầu cuộc thảo luận buổi chiều, ông Moon và ông Kim cùng nhau tham gia hoạt động trồng cây gần Đường ranh giới quân sự (DML). Cây thông được chọn nảy mầm vào năm 1953, thời điểm thỏa thuận đình chiến khép lại chiến tranh Triều Tiên được ký kết. Theo báo Korea Herald (Hàn Quốc), buổi lễ được thực hiện theo yêu cầu của Hàn Quốc và được Triều Tiên chấp nhận.
Điều đặc biệt là đất trồng cây thông lấy từ hai ngọn núi cao nhất của hai nước - núi Halla trên đảo Jeju của Hàn Quốc và núi Baekdu của Triều Tiên. Ngoài ra, ông Kim dùng nước sông Hàn của miền Nam còn ông Moon sử dụng nước của sông Daedong từ miền Bắc để tưới cây. Theo Nhà Xanh, một hòn đá được khắc tên hai nhà lãnh đạo cùng dòng chữ "Gieo hòa bình và thịnh vượng" được đặt phía trước cây thông.
Hai nhà lãnh đạo dự lễ trồng cây trước khi quay lại bàn đàm phán. Ảnh: Reuters
.Cơn sốt mì lạnh Bình Nhưỡng: Trước khi khép lại hội nghị, hai nhà lãnh đạo liên Triều cùng các phu nhân và quan chức hai nước tham dự tiệc tối tại Nhà Hòa Bình. Theo đài Sputnik (Nga), ông Kim đã mang đến hội nghị thượng đỉnh món mì kiều mạch lạnh truyền thống Naengmyeon để tặng cho ông Moon. Món mì đặc sản ở Triều Tiên này được chính đầu bếp từ nhà hàng nổi tiếng nhất Bình Nhưỡng Okryu Gwan chuẩn bị cho tiệc tối. Báo Korea Herald trích lời ông Kim: "Thật là khó nhưng chúng tôi đã mang món Naengmyeon Bình Nhưỡng đến đây. Tôi hy vọng Tổng thống Moon Jae-in sẽ thích nó".
Nhờ hiệu ứng "thượng đỉnh liên Triều" mà món mì lạnh Bình Nhưỡng đang làm mưa làm gió ở Hàn Quốc. Người ta xếp hàng dài trước các cửa hàng mì lạnh trong khi trên mạng xã hội ở miền Nam, cụm từ "mì lạnh Bình Nhưỡng" thậm chí được nói đến nhiều hơn cả bản thân hội nghị thượng đỉnh.
Ảnh: News1
. Bút máy biểu tượng: Cây bút máy mà ông Kim Jong-un dùng để ký tên trong sổ lưu niệm của Nhà Hòa bình là nhãn hiệu Montblanc (Thụy Sĩ). Một cây bút máy cùng hiệu này đã được hai ông Helmut Kohl (thủ tướng Tây Đức) và Lothar de Maizière (thủ tướng Đông Đức) dùng để ký hiệp ước thống nhất nước Đức vào ngày 3-10-1990, theo báo Herald Economy.
Cây bút đặc biệt được cô Kim Yo-jong đưa cho ông Kim. Ảnh: Reuters
XUÂN MAI
Bình luận (0)