Dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Đại dương và Khí tượng quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy những khu vực ngoài trời được chiếu sáng nhân tạo vào ban đêm trên trái đất đã tăng 2% mỗi năm (về cả diện tích và độ sáng) trong giai đoạn 2012-2016, qua đó làm gia tăng nỗi lo về tác động sinh thái của tình trạng ô nhiễm ánh sáng lên con người và sinh vật.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hôm 22-11 cho rằng ô nhiễm ánh sáng trong thực tế còn tồi tệ hơn thế do bộ cảm biến của vệ tinh không thể ghi nhận được loại ánh sáng đèn LED được sử dụng ngày càng nhiều.
Nhà vật lý học Christopher Kyba của Trung tâm Nghiên cứu địa khoa học Đức - người đứng đầu cuộc nghiên cứu - cho rằng vấn đề không nằm ở đèn LED mà ở chỗ con người sử dụng ngày càng nhiều đèn LED với suy nghĩ đây là công nghệ tiết kiệm điện, dẫn đến tác dụng ngược.
TP Los Angeles - Mỹ sáng đèn vào ban đêm Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Các chuyên gia cảnh báo ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học ở người trong lúc làm gia tăng nguy cơ ung thư, tiểu đường và trầm cảm. Sự di trú và sinh sản của nhiều loài sinh vật cũng chịu ảnh hưởng. "Nhiều người đang sử dụng ánh sáng vào ban đêm mà không suy nghĩ về hậu quả. Cái giá phải trả không chỉ về kinh tế mà còn sinh thái, môi trường" - ông Franz Holker, chuyên gia thuộc Viện Sinh thái học về nước sạch và ngư nghiệp Leibniz (Đức) và là thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.
Để giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp, như sử dụng các nguồn sáng cường độ thấp, loại đèn LED ít gây tác động tiêu cực nhất, phương thức chiếu sáng hiệu quả hơn tại những nơi như bãi đậu xe, đường phố... và tắt đèn khi không sử dụng.
Bình luận (0)