Một bức ảnh vệ tinh kinh điển của bán đảo Triều Tiên từng được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld giữ trong văn phòng ông.
Kinh tế khởi sắc
Bức ảnh cho thấy một đất nước Hàn Quốc rực sáng trong đêm trong khi Triều Tiên gần như chìm trong bóng tối thăm thẳm, ngoại trừ một đốm sáng nhỏ ở vị trí thủ đô Bình Nhưỡng.
Khu trượt tuyết hạng sang Masik tại TP Wonsan - Triều Tiên Ảnh: AP
Thế nhưng, tình hình đã có những chuyển biến ngoài tưởng tượng. Trong báo cáo do Viện Phát triển Hàn Quốc đưa ra vào cuối tháng 7 qua, những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy điều kiện thắp sáng ban đêm của Triều Tiên được cải thiện trong khoảng thời gian từ năm 2002 tới 2012. Khu vực quanh Bình Nhưỡng ngày càng sáng sủa.
"Sự thay đổi cường độ ánh sánh của Triều Tiên chứng tỏ kinh tế nước này đã hồi phục vào giữa những năm 2000" - báo cáo cho hay. Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Viện Phát triển Hàn Quốc xem những hình ảnh vệ tinh này là một trong những công cụ tốt nhất để đánh giá mức độ đô thị hóa cũng như mật độ dân số và hoạt động kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, năm 2016 ghi nhận sự khởi sắc của kinh tế Triều Tiên với mức tăng trưởng 3,9%, cao nhất trong 17 năm qua. Xuất khẩu than đá và các khoáng sản khác sang Trung Quốc được cho là đã "tiếp máu" cho tốc độ tăng trưởng nhanh của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nguồn tiền này nhiều khả năng vấp phải chướng ngại lớn trong năm nay khi Bắc Kinh dường như thực hiện lời hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giảm bớt nhập khẩu những mặt hàng trên từ láng giềng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hàng hóa Trung Quốc vẫn tìm được đường vào Triều Tiên. Báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy dù Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế, hàng hóa xuất khẩu của nền kinh tế thứ 2 thế giới vào Triều Tiên vẫn tăng gần 20% trong nửa đầu năm nay.
Thậm chí, xuất khẩu nhiên liệu máy bay của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng tăng tới 18,3% trong nửa đầu năm 2017, dù mặt hàng này nằm trong số 5 loại hàng cấm của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Báo cáo của KITA nhấn mạnh: "Các chuyến hàng điện thoại di động "sản xuất tại Trung Quốc" đã tăng 92,8% trong 1 năm qua, lên tới 54 triệu USD trong khi xuất khẩu dệt may cũng tăng với tỉ lệ đáng kể".
Ai chống lưng?
Trung Quốc không phải là nước duy nhất liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đang điều tra Công ty Hàng không vũ trụ Pacific Aerospace (New Zealand) khi máy bay của hãng này xuất hiện tại cuộc triển lãm hàng không đầu tiên ở Triều Tiên hồi tháng 9-2016. Khi đó, Giám đốc điều hành công ty, ông Damian Camp, nói rằng ông cũng lấy làm khó hiểu khi nhìn thấy chiếc máy bay 10 chỗ mà hãng từng bán cho một công ty Trung Quốc xuất hiện trong sự kiện này.
Tuy nhiên, những email mới công bố từ cuộc điều tra của HĐBA LHQ cho thấy Pacific Aerospace biết chiếc máy bay đó ở Triều Tiên và hãng này sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để tập huấn cách thay động cơ - hành vi được cho là vi phạm Nghị quyết 1718 của HĐBA LHQ.
Ngoài ra, sự thay đổi của Triều Tiên còn bắt nguồn từ những cải cách kinh tế gần đây. Một số nông dân nước này được phép giữ một phần nông sản thu hoạch được thay vì nộp toàn bộ cho các doanh nghiệp nhà nước và chờ phân phối lại như trước. Các chuyên gia tin rằng chính sách mới góp phần xoa dịu các cuộc khủng hoảng thực phẩm do hạn hán thường xuyên.
Theo khảo sát của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, khoảng 1 triệu lao động đang làm các công việc buôn bán, trong số 25 triệu dân của Triều Tiên. Cựu lãnh đạo một cơ quan tình báo Hàn Quốc hồi đầu năm nay tiết lộ khoảng 40% dân số Triều Tiên đang làm việc trong một loại hình doanh nghiệp tư nhân nhất định. Thu nhập của người lao động dường như cũng tăng lên, đi đôi với chất lượng sống.
Theo đài Fox News, một số nhà ngoại giao quốc tế cho biết bầu trời Triều Tiên đã có nhiều máy bay qua lại hơn trong khi xe hơi có lúc còn làm kẹt đường ở Bình Nhưỡng. Những người có tiền ở nước này thậm chí còn mua sắm trên Amazon.com và tận hưởng kỳ nghỉ ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và khách sạn hạng sang gần thủ đô.
"Nền kinh tế Triều Tiên cơ bản đã chuyển từ nền nhà nước kiểm soát chặt chẽ sang thị trường hóa" - ông Sokeel Park, Giám đốc Tổ chức Tự do ở Triều Tiên (Mỹ), nói với tờ Financial Times vào tháng trước.
Triều Tiên sắp thử tên lửa?
Nhiều đợt trừng phạt từ LHQ đã trút xuống Triều Tiên kể năm 2006 vì chương trình tên lửa và hạt nhân song dường như vẫn chưa đủ khiến các "bạn hàng" của nước này nản lòng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vòng trừng phạt mới được cho là cứng rắn nhất hôm 5-8 có thể khiến những mối làm ăn cũ của Bình Nhưỡng suy nghĩ lại.
Theo CNBC, các nguồn thu nhập của Bình Nhưỡng để nuôi dưỡng chương trình hạt nhân và tên lửa đến từ việc buôn bán nhiều mặt hàng bất hợp pháp, bao gồm vũ khí, thuốc giả, tiền giả và công nghệ hạt nhân... tại nhiều thị trường ở châu Phi, Trung Đông... Bên cạnh đó còn có xuất khẩu than và một số khoáng sản khác mà đối tác lớn nhất được xác định là Trung Quốc.
Theo nhận định của chuyên gia Stephan Haggard thuộc Viện Kinh tế quốc tế (Mỹ), có thể những chuyến hàng của Triều Tiên lui tới các cảng tại Trung Quốc, Nga, Syria… không thay đổi một sớm một chiều song sẽ ngày càng ít quốc gia dám mạo hiểm bỏ qua sự phẫn nộ của quốc tế để "bắt tay" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, có những suy đoán rằng Iran sẽ đi ngược dòng xu hướng đó và tăng cường các trao đổi liên quan tới tên lửa đạn đạo với Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt nói trên được nhìn nhận là chiến thắng đáng kể trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Có điều, nó hầu như không làm suy suyển cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất mà Washington đang đối mặt. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 8-8 cảnh báo nước này sẽ vận động tất cả nguồn lực để có hành động bạo lực trả đũa trừng phạt của LHQ. Các cơ quan tình báo Mỹ một ngày trước đó phát hiện Triều Tiên vừa vận chuyển 2 tên lửa hành trình chống hạm Stormpetrel trên tàu tuần tra trang bị tên lửa dẫn đường Wonsan tại bờ biển phía Đông nước này.
Diễn biến này cho thấy một vụ thử tên lửa có khả năng xảy ra trong những ngày tới hoặc có thể là một biện pháp phòng thủ nếu hải quân Mỹ cử nhiều tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên.
Bình luận (0)