Vụ giao dịch này nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh chiến lược do tổng thống hai nước ký kết. Đây được cho là nỗ lực tăng cường quyền tự chủ quân sự của châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 28-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Hiệp ước góp phần vào an ninh châu Âu, vào việc tăng cường quyền tự chủ và chủ quyền chiến lược của châu Âu, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Tổng thống Pháp nhận định thỏa thuận trên nằm trong khuôn khổ "mối quan hệ đối tác chiến lược" sâu sắc hơn giữa hai nước nhằm bảo vệ lợi ích chung của hai bên ở Địa Trung Hải.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Mitsotakis nói với các phóng viên hãng tin Reuters: "Hiệp ước sẽ giữ chúng tôi bền chặt trong nhiều thập kỷ". Thêm vào đó, Thủ tướng Mitsotakis cho biết Hy Lạp đang cân nhắc mua thêm một tàu nữa nhằm tăng cường cho các lực lượng vũ trang và củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với Pháp.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Macron, Thủ tướng Mitsotakis khẳng định: "Hôm nay là một ngày lịch sử đối với Hy Lạp và Pháp. Cùng với Tổng thống Macron, chúng tôi đã quyết định nâng cấp quan hệ tác quốc phòng song phương"
Theo nhà lãnh đạo Hy Lạp, Athens và Paris đã xây dựng liên minh vững chắc vượt ngoài những cam kết tương ứng của hai nước với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Truyền thông Pháp đưa tin thỏa thuận với Hy Lạp có thể trị giá 5,86 tỉ USD, giảm bớt phần nào nỗi đau cho Tập đoàn đóng tàu Pháp Naval Group. Trước đó, chính phủ Hy Lạp đã đặt hàng 24 máy bay chiến đấu Rafale của tập đoàn Dassault của Pháp.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Dassault
Theo Tổng thống Emmanuel Macron, quyết định của Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân của Pháp sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Macron nêu rõ việc hủy bỏ thỏa thuận này sẽ có tác động tương đối hạn chế đối với Pháp, liên quan đến vài trăm việc làm.
Trong tháng này, Úc đã hủy đơn đặt hàng một hạm đội tàu ngầm thông thường từ Pháp trị giá hàng chục tỉ USD. Thay vào đó, Canberra sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ và Anh theo thỏa thuận an ninh ba bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS).
Ông Macron cho rằng sau vụ việc của Úc, các nước châu Âu phải "ngừng ngây thơ".
Bình luận (0)