Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực gia tăng sau khi hàng loạt trạm xăng tại quốc gia này cạn nhiên liệu vào ngày 27-9 do người dân cả nước hoảng loạn mua về. Theo Reuters, khủng hoảng năng lượng cộng với tình trạng khan hiếm tài xế xe tải thời hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) càng khiến toàn bộ chuỗi cung ứng của Anh, từ thực phẩm đến nhiên liệu, rơi vào hỗn loạn.
Không riêng gì Anh, theo báo The New York Times, thiếu khí đốt đã khiến hóa đơn các loại năng lượng khác của người tiêu dùng châu Âu tăng đột biến, chẳng hạn hóa đơn của người dân Ý có thể phải tăng 40% vào những tháng tới.
Hãng tin Bloomberg cho biết giá khí đốt châu Âu đã tăng gần 500% trong năm qua và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục. Trong khi đó, giá dầu ngày 27-9 tiếp tục đà tăng của 4 ngày trước đó. Giá dầu thô Brent tăng thêm 1,14 USD (1,5%), lên mức 79,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Mỹ tăng thêm 1,11 USD (1,5%), lên mức 75,09 USD/thùng - mức tăng cao nhất kể từ tháng 7.
Xe xếp hàng chờ bơm xăng tại thủ đô London - Anh hôm 27-9. Ảnh: REUTERS
Theo chuyên gia Tim Gore của Viện Chính sách Môi trường châu Âu (IEEP), giá năng lượng châu Âu tăng đột biến xuất phát từ nhu cầu tăng mạnh khi kinh tế toàn cầu vận hành trở lại sau đại dịch Covid-19, kèm theo đó là phải bổ sung dự trữ cho mùa đông đang đến.
"Ngoài ra, còn có những yếu tố khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở châu Âu. Chúng ta đã loại bỏ được than đá ra khỏi mạng lưới điện song điều đó lại xảy ra vào thời điểm năng lượng gió thấp hơn mọi năm vì thời tiết xấu" - ông Gore giải thích.
Khủng hoảng năng lượng đã nhuốm màu địa chính trị khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tuần trước dường như cáo buộc Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu - "thao túng nguồn cung để trục lợi".
Moscow bị Mỹ và đồng minh nghi ngờ cắt giảm nguồn cung để gây sức ép, buộc châu Âu chấp thuận tuyến đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Nga sang Đức mang tên "Dòng chảy phương Bắc 2". Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng kêu gọi Nga tăng nguồn cung khí đốt đến châu Âu để chứng minh vai trò "nhà cung cấp đáng tin cậy".
Đáp lại, Công ty Gazprom của Nga nhấn mạnh sứ mệnh của họ là "hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng, chứ không phải là giảm bớt nỗi lo của một thị trường trừu tượng".
Đường ống được lắp đặt cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở biển Baltic. Ảnh: Reuters
Tình hình tại châu Âu có thể sớm lan ra các khu vực còn lại của thế giới. Tại châu Á, các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang phải trả những mức giá cao chưa từng thấy ở thời điểm này của năm.
Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên nhiều nhất thế giới - hiện vẫn chưa thể đổ đầy các kho dự trữ dù đã tăng gần gấp đôi sản lượng nhập khẩu so với năm ngoái, theo số liệu hải quan.
Nhiều tỉnh Trung Quốc đã bắt đầu phân phối điện luân phiên cho các ngành công nghiệp và nếu tình trạng thiếu điện không được cải thiện, các nhà máy nước này có thể phải đóng cửa hàng loạt, khiến giá nhôm và thép toàn cầu tăng mạnh, theo Bloomberg.
Dù ký được nhiều hợp đồng khí đốt dài hạn song Hàn Quốc hôm 23-9 thông báo sẽ tăng giá điện lần đầu tiên trong gần 8 năm. Tại Brazil, sông Parana cạn nước khiến sản lượng thủy điện giảm mạnh, buộc nước này vào tháng 7 phải nhập khẩu khí đốt ở mức cao chưa từng thấy.
Bình luận (0)