Chuyện bắt đầu vào năm 2010 khi các quan chức kế hoạch gia đình ở Bắc Kinh nói rằng con bà sẽ không thể nào có tên trong hộ khẩu nếu bà không đóng tiền phạt. “Khi tôi biết khoản tiền phạt, thật không thể tưởng tượng được. Nếu tôi biết thì tôi đã sinh con” - bà Lưu ngân ngấn nước mắt nói.
Số tiền phạt gấp 14 lần tổng tiền lương hàng năm của Lưu Phi. Bà mẹ 41 tuổi tuyệt vọng tới mức nghĩ đến chuyện bán thận của mình để đóng phạt. Đau lòng hơn, đứa con trai 8 tuổi cũng đòi bán thận của bé thay cho mẹ. Tuy nhiên, những người mua thận trên các diễn đàn chê bà quá lớn tuổi.
Tình cảnh của Lưu Phi dẫn đến một cuộc chiến pháp lý hiếm hoi, bắt đầu từ năm 2011 khi cô quyết nhập hộ khẩu cho con. Vụ kiện sẽ được xét xử tại một tòa án Bắc Kinh trong ngày 6-12. Đến nay, cảnh sát và các quan chức kế hoạch hóa gia đình địa phương không bình luận gì.
Bà Lưu đã kết hôn và ly dị 2 lần. Với người chồng đầu, bà có 1 con gái 20 tuổi; với người chồng sau có 1 con trai 8 tuổi và đứa con trai sinh sau này.
Ước tính có khoảng 13 triệu trẻ em không có hộ khẩu ở Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Để giúp đỡ bà Lưu, ngày 3-12, một nhóm 10 luật sư và học giả đã gửi thư đến các cơ quan chính phủ bao gồm Quốc vụ viện, Hội đồng chính phủ và Bộ Công an, thúc giục họ xem xét bỏ quy định nộp phạt trước khi cấp “hộ khẩu”. “Nếu không được công nhận thì con cái chẳng khác nào con mèo, con chó nuôi trong nhà. Không cấp hộ khẩu cho con của bà Lưu là không hợp lý” – ông Hoàng Nhất Chi, luật sư của bà Lưu phản bác.
Trường hợp của bà Lưu Phi không phải là trường hợp bất hợp lý duy nhất của chính sách kế hoạch gia đình Trung Quốc. Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin về nhiều vụ phá thai và cưỡng bức triệt sản. Ước tính có khoảng 13 triệu trẻ em không được công nhận, vốn được gọi là “con đen”. Ông Mã Kiến Tường, người đứng đầu Tổng cục thống kê, cho biết hầu hết các trường hợp sinh con con thứ hai trong năm 2011 đều không thể nộp tiền phạt.
Hồi tháng 7, một cô gái 16 tuổi sinh sống phía Tây Nam Tứ Xuyên chỉ được ghi tên vào hộ khẩu sau khi cô bé toan tự tử bằng thuốc độc. “Trung Quốc là một quốc gia ngỡ như không thể làm gì nếu không có công văn, giấy tờ. Nếu không có hộ khẩu, người ta không thể đi học, nhập ngũ, kết hôn, mở tài khoản ngân hàng hoặc đi máy bay, tàu hỏa” – luật sư Dương Chi Trụ ở Bắc Kinh chỉ trích. Ông Dương bị mất việc năm 2010 sau khi vợ chồng ông sinh một cô con gái thứ hai.
Hãng tin Reuters cho rằng ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng chính sách 1 con, cho phép hàng triệu gia đình có thể sinh con thứ 2 thì những chuyện không hay vẫn tồn tại. Các gia đình vẫn phải nộp giấy tờ cần thiết nếu muốn sinh đứa nữa và khi đó, ắt hẳn sẽ nảy sinh một số khúc mắc.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!