Lãnh đạo hai phái đã bước vào cuộc đàm phán do Vua Ả Rập Saudi Abdullah bảo trợ. “Chúng tôi sẽ không rời vùng đất thánh này cho tới khi có sự đồng thuận về mọi việc, nhờ ơn đấng tối cao” - Tổng thống (TT) Palestine Mahmoud Abbas, lãnh đạo Fatah, nói trong buổi lễ khai mạc vòng đàm phán với thủ lĩnh Hamas lưu vong Khaled Mashaal. K. Mashaal cũng tỏ thiện chí: “Chúng tôi đến đây để đạt thỏa thuận và không có sự lựa chọn nào khác”.
Thỏa thuận đạt được sau nhiều tuần nổ ra bạo lực đẫm máu giữa Hamas và Fatah, trong bối cảnh chính quyền Palestine do Hamas nắm giữ bị quốc tế cô lập, tình hình vô cùng ảm đạm. Ngay sau khi nhận tin vui, tại Dải Gaza và những khu vực xung đột khác ở Palestine, các tay súng đối nghịch đã bắn chỉ thiên vang trời thay vì bắn vào nhau; ngoài đường phố tràn ngập người, xe cộ, băng cờ trong không khí của ngày hội lớn. Thật khó mà thấu hiểu niềm vui của những người Palestine cùng cực!
Hãng tin AFP trích một bản sao thỏa thuận chia sẻ quyền lực cho thấy, phía Hamas sẽ nắm giữ 9 vị trí trong chính phủ, Fatah 6 vị trí và 4 phái khác mỗi phái giữ một vị trí. Một số bộ chủ chốt như tài chính, ngoại giao, nội vụ thuộc về những người không đảng phái. Riêng đương kim Thủ tướng Ismail Haniya vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vu hiện nay của ông. Tuy nhiên, cũng theo BBC, các nguồn tin cho thấy “Tuyên bố Mecca” không chứa đựng nội dung liên quan đến việc Palestine chính thức công nhận Israel. Thực ra trong thỏa thuận có những chi tiết nhỏ, bao hàm một lời hứa chính phủ mới sẽ “tôn trọng” những thỏa thuận hòa bình với Israel, nhưng như vậy đã thỏa đáng chưa? Cũng không rõ sự mặc cả với Hamas làm tăng thêm hay suy giảm uy thế của TT Abbas để tới đây ông còn có thể nói chuyện “bằng vai phải lứa” với Israel nữa.
Ngay sau khi thỏa thuận được đưa ra, nữ phát ngôn Chính phủ Israel Miri Eisin cho rằng điều kiện để khai thông trở ngại không thay đổi. Bà nói: “Israel chờ đợi một chính phủ Palestine mới tôn trọng 3 nguyên tắc của cộng đồng quốc tế: Công nhận Israel, chấp thuận những hiệp định đã ký giữa Palestine và Isarel trước đây, từ bỏ bạo lực và khủng bố”. Liệu bất cứ một chính phủ liên hiệp nào mang “nhãn hiệu Mecca” đều được Israel công nhận khi mà Tel Aviv từ khước mọi cuộc đối thoại với chính phủ do Hamas nắm quyền? Về phía Mỹ, bản thỏa thuận không được đón nhận rộng rãi. Các quan chức Mỹ lo ngại viễn cảnh một chính phủ mới của Palestine sẽ không như “ý muốn” của họ. “Chúng tôi sẽ phải xem xét. Vào lúc này, đó chỉ là những báo cáo rất sơ bộ và chúng tôi cần nghiên cứu kỹ những gì có thể được xúc tiến ở đó (Palestine)” - thư ký báo chí của Nhà Trắng Tony Snow tuyên bố. Thật sự, Mỹ đang chờ đợi kết quả từ hội nghị cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Rice, Thủ tướng Israel Olmert và TT Palestine Abbas ngày 19-2 tới. Trong khi đó, thông tín viên Jon Leyne của BBC tại Dải Gaza băn khoăn liệu thiện chí chứa đựng trong “Tuyên bố Mecca” của Hamas đã đủ để hóa giải các biện pháp cấm vận quốc tế.
Ngay trước cuộc gặp hiếm hoi ở Ả Rập Saudi, phía Hamas vẫn canh cánh trong lòng: “Ai có thể đoan chắc rằng chúng tôi sẽ không sai lầm nếu chấp nhận nhượng bộ? Và liệu sự nhượng bộ có giúp mang lại cho nhân dân chúng tôi một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem?” “Tuyên bố Mecca”, cho dù có một số tiến bộ đáng kể, cũng chỉ mới dàn xếp “chuyện anh em trong nhà”, còn quan hệ bên ngoài giữa Israel - Palestine vẫn là câu chuyện dài buồn bã chưa thấy hồi kết. Bởi, ít nhất, theo như nhận định của Martn Indyk, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, thì “thỏa thuận mới có khả năng làm tăng thêm chia rẽ giữa Mỹ với Nga và châu Âu”.
Bình luận (0)