Đặc biệt, Bắc Kinh rất cởi mở với những quốc gia khó tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do “khó ở” với Mỹ và đồng minh.
Mới đầu tuần này, ngay khi Trung Quốc đánh tiếng có thể giúp Nga bằng thỏa thuận trao đổi tiền tệ ký kết hồi tháng 10 - trị giá 24 tỉ USD trong vòng 3 năm, đồng rúp đang chìm sâu đã tăng liền 4,9% giá trị. Với Argentina, từ tháng 10 đến nay, Trung Quốc đã cung cấp 2,3 tỉ USD, đưa dự trữ ngoại tệ nước này tăng lên mức 30,9 tỉ USD - cao nhất trong 13 tháng qua.
Cũng theo Bloomberg, tháng trước, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vay Trung Quốc 4 tỉ USD, giúp “két sắt” nước này chứa khoảng 21 tỉ USD, bằng với số nợ phải trả trong năm 2015 và 2016.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ký thỏa thuận trao đổi ngoại tệ với 28 ngân hàng trung ương khắp thế giới, kể cả Anh và Úc. “Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng và họ sẵn lòng đảm nhận nó. Đi kèm các thỏa thuận tài chính này dĩ nhiên là ảnh hưởng về mặt địa chiến lược” - ông Michael Ganske, người đứng đầu tổ chức Rogge Global Partners Plc (Anh), phân tích với Bloomberg.
Bằng cách mở rộng vòng tay với các nước bị sập cửa trước các thị trường tài chính nước ngoài, Trung Quốc không chỉ củng cố ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu mà còn thách thức sự thống trị của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi IMF thường đòi hỏi các quốc gia đi vay tiến hành cải cách để ổn định kinh tế trong nước thì giới nghiên cứu chỉ ra Trung Quốc quan tâm đến lợi ích của chính mình hơn. Đó cũng là lý do Trung Quốc sốt sắng mở hầu bao với những nước giàu tài nguyên. Chuyên gia người Đan Mạch Morten Bugge nói: “Bảo đảm nguồn năng lượng về lâu dài có thể là một trong những động cơ chính của Trung Quốc”.
Trung Quốc thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 11 tỉ USD trong 3 năm với Argentina,
một trong các mục đích là đảm bảo nguồn đậu nành. Ảnh: REUTERS
Báo The Economist dẫn các số liệu của Hệ thống Dữ liệu tài chính Trung Quốc - Mỹ Latin và Trường ĐH Boston (Mỹ) cho thấy Trung Quốc cho Mỹ Latin vay gần 100 tỉ USD từ năm 2005 -2013. Đổi lại, Trung Quốc thỏa mãn cơn khát nguyên vật liệu thô nhờ dầu hỏa của Venezuela và Ecuador, đồng của Chile, đậu nành của Argentina và quặng sắt của Brazil.
Cũng năm 2010, trong khi WB đồng ý cho 36 nước châu Phi vay 11,4 tỉ USD thì Trung Quốc cho riêng Ghana vay tới 13 tỉ USD. Thế nhưng, theo ông Jamie Metzl thuộc Hiệp hội châu Á (Mỹ), tiền Trung Quốc cho vay thật ra vẫn nằm trong tay Trung Quốc. “Thay vì tạo cú hích cho nền kinh tế của nước đi vay, số tiền ấy chỉ quanh quẩn trong các dự án của Trung Quốc tại chính nước đó. Trung Quốc đang phớt lờ nghĩa vụ bảo đảm các khoản vay có thể làm lợi cho mọi người” - ông nhận định với đài BBC.
Sự “tiếm ngôi” của Trung Quốc khiến các định chế tài chính lâu đời nóng mũi. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Úc vào tháng 11 vừa qua, 8 ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu thế giới - bao gồm WB, IMF, ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á)... - bất ngờ ra một tuyên bố chung cảnh báo “nguy cơ mất chất trong cho vay” của các tổ chức mới.
Không cần nêu đích danh cũng biết đích nhắm là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc mời gọi tham gia 3 tuần trước đó cũng như Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiền không thể mua được mọi thứ. Đơn cử, Nga đang rất cần Trung Quốc để đối trọng với Mỹ cũng như vượt qua các khó khăn kinh tế. Thế nhưng, bên cạnh hợp đồng khí đốt 400 tỉ USD ký với Trung Quốc, Nga không che giấu sự quan tâm dành cho hệ thống đường ống dưới biển dẫn đến đảo Hokkaido của Nhật, theo tờ Nikkei. Hơn nữa, Nga vẫn duy trì quan hệ quốc phòng cũng như các thương vụ vũ khí với Đông Nam Á, hoàn toàn không có ý sát cánh với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển tại châu Á.
Bình luận (0)