Washington khăng khăng muốn Bình Nhưỡng hoàn thành cam kết tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, tức "tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Nhưng họ lại không chú tâm làm rõ chính những cam kết của mình tại hội nghị - "tạo dựng mối quan hệ mới giữa Mỹ - Triều Tiên" và "xây dựng nền hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo".
Trong lúc chính quyền ông Trump yêu cầu Triều Tiên hành động trước (có thông tin nói là) bằng cách cung cấp danh sách hoàn chỉnh các cơ sở sản xuất và các vật liệu hạt nhân, Bình Nhưỡng đáp lại với yêu cầu Washington cùng Hàn Quốc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Theo phát biểu của giới chức Triều Tiên, thỏa thuận giữa hai bên hoàn toàn khả thi nếu Mỹ sẵn sàng chấp nhận một tuyên bố như thế.
Về phần Mỹ, đòi hỏi danh sách hạt nhân của Triều Tiên tiếc thay lại là khởi đầu của một hành trình dài đầy bất ổn mà lại có rất ít lợi ích, bởi họ phải tốn công kiểm tra danh sách đó trong khi Triều Tiên có thể thoải mái phát triển các vật liệu khác cũng như tên lửa. Tốt hơn là Washington nên bắt đầu bằng điều kiện Triều Tiên ngừng sản xuất plutoni và tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa tầm trung...
Không ai biết rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng đánh đổi đến đâu trong tuyên bố tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Ảnh: REUTERS
Phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên phụ thuộc vào việc xác định nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn trao đổi gì trong đàm phán hơn là duy trì áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Không phải là những điều như chấm dứt liên minh Mỹ - Hàn, buộc Mỹ từ bỏ chiếc ô hạt nhân cũng như rút quân khỏi Hàn Quốc hay thậm chí là một thỏa thuận an ninh chính thức Mỹ - Triều, điều ông Kim muốn là kết thúc "chính sách thù địch" của Mỹ. Cụ thể hơn, dựa trên các phát biểu qua nhiều năm của giới ngoại giao Triều Tiên, là bình thường hóa quan hệ chính trị - kinh tế, thiết lập hòa bình trên bán đảo và có thể là cả một liên minh tương tự Mỹ - Hàn.
Nhiều chuyên gia quả quyết Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đó hoàn toàn là suy đoán, bởi chẳng có cách gì biết rõ ông Kim sẵn sàng đánh đổi tới đâu. Chỉ có ngoại giao "cho và nhận" với những đề xuất vững chắc và có qua có lại mới tìm được đáp án.
Bình luận (0)