Báo cáo cho rằng khả năng xảy ra xung đột tăng đáng kể và điều này cần được xử lý và ngăn chặn. Dự kiến được Viện nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc công bố hôm 23-6, báo cáo này nêu chi tiết chính sách an ninh của Mỹ, sự hiện diện và triển khai quân sự, các hoạt động quân sự gần đây và mối quan hệ an ninh trong khu vực.
Theo bản tóm tắt được gửi đến Thời báo Hoàn cầu hôm 21-6, báo cáo nói trên tập trung vào những thay đổi từ việc Mỹ trở lại cuộc cạnh tranh trong quan hệ quân sự Trung-Mỹ và đánh giá vai trò tích cực của quan hệ quân sự Trung-Mỹ trong việc ổn định quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới.
Tàu USS Theodore Roosevelt hoạt động ở vùng biển Philippines cuối tháng 5. Ảnh: Hải quân Mỹ
Báo cáo nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017, Mỹ đã xác định "cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc", gợi lại Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên trong một tài liệu chiến lược về an ninh quốc gia và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vào cuối năm 2018. Bước đi này nhằm bảo vệ vị thế số một của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, không chỉ bao gồm các vấn đề an ninh mà còn cả chính trị và kinh tế.
Theo báo cáo, Mỹ có khoảng 375.000 thành viên thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm 60% tổng số tàu hải quân, 55% quân số lục quân và 2/3 lực lượng thủy quân lục chiến. Ngoài ra, với 85.000 binh sĩ đồn trú bên ngoài nước Mỹ và một lượng lớn vũ khí công nghệ cao và mới, mục đích của Mỹ được cho là duy trì uy quyền tuyệt đối ở châu Á-Thái Bình Dương trong những năm qua, đồng thời tiếp tục tìm cách triển khai thêm lực lượng, ngân sách và nguồn lực mới với lý do là để đối phó sự phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo các hoạt động quân sự của Mỹ có thể dễ dàng gây sự cố, dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa.
Mượn cớ Mỹ triển khai lực lượng quy mô lớn, củng cố, tăng cường liên minh quân sự và tiến hành "các hoạt động khiêu khích mạnh mẽ" nhắm vào Trung Quốc, theo báo cáo, nước này không còn cách nào khác ngoài việc tăng ngân sách quân sự và tăng cường lực lượng quân đội nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Báo cáo nghiên cứu năm 2020 thúc giục hai bên nên duy trì các kênh liên lạc mở, thực hiện các thỏa thuận xây dựng niềm tin quân sự và chống khủng hoảng, tạo điều kiện cho liên lạc và đối thoại về an ninh hạt nhân, không gian mạng, vũ trụ và trí tuệ nhân tạo để xử lý bất đồng và ngăn xung đột.
Tiêm kích F/A-18F Super Hornet chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan trên vùng biển Philippines hôm 21-6. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong năm 2020, Mỹ đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế Trung Quốc xoay quanh các vấn đề bao gồm dịch Covid-19, Hồng Kông, Đài Loan, công nghệ cao và quân đội. Gần đây, các tàu chiến Mỹ đã nhiều lần tiến hành các hoạt động ở biển Đông và đi qua eo biển Đài Loan. Trong động thái hiếm hoi, Mỹ đã triển khai 3 tàu sân bay đến khu vực.
Lần đầu kể từ năm 2017, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang cùng hoạt động tại cửa ngõ biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ ngày 21-6 cho biết hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu triển khai hoạt động chung tại vùng biển Philippines. Cùng ngày, những hìn ảnh hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tại vùng biển này cũng được công bố.
Giới chuyên gia nhận định động thái này của hải quân Mỹ nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực bất chấp dịch Covid-19 đang diễn ra.
Bình luận (0)