Trong vài năm qua, Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng các công trình nhà cửa, đường băng, hải đăng, thậm chí cả trang trại để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý tại biển Đông.
“Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ngày 12-7 đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague – Hà Lan bác bỏ tính pháp lý, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết này nhưng trước mắt, họ phải chấp nhận sự thực là các đảo nhân tạo ở biển Đông đang bị bão đe dọa, nhất là khi những cấu trúc trên bắt đầu "thử lửa" mùa bão đầu tiên.
Theo trang tin Quartz, Trung Quốccó thể thua sóng to, gió mạnh, bão lớn và nước biển dâng khi cố gắng gia cố những cấu trúc được xây trên các rạn san hô và bãi đá ngầm. Lấy ví dụ bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), vài tháng sau quá trình cải tạo, một phần góc của hòn đảo nhân tạo này bị sập xuống khiến Trung Quốc phải tiến hành sửa chữa.
Một vấn đề cơ bản có thể tác động mạnh đến các đảo nhân tạo như đá Chữ Thập, đó là chúng thường bị sóng mạnh đánh trúng. Một nghiên cứu năm 2014 công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy các rạn san hô giúp người dân ven biển giảm trừ thiệt hại do thiên tai.Cụ thể, các rạn san hô hóa giải trung bình 97% năng lượng sóng, trong đó phần đỉnh hay cạnh hướng ra biển làm tiêu tan khoảng 86% năng lượng.
Thêm vào đó, nhà sinh vật biển John McManus (Đại học Miami, bang Florida – Mỹ) lập luận nếu mực nước biển dâng lên, các rạn san hô bị hư hỏng (như trường hợp bị Trung Quốc hủy hoại) không còn khả năng tự điều chỉnh, dẫn đến làm suy yếu các cấu trúc được xây dựng trên đó.
Trong điều kiện bình thường, các đảo nhân tạo như đá Chữ Thập vốn đã bấp bênh thì khi đối mặt với những cơn bão có sức gió 185 km/h hoặc sóng cao hơn 6 m, chúng có thể bị quét sạch hoặc ít nhất cũng bị tàn phá nghiêm trọng.
Bình luận (0)