Cùng lúc, giá điện ở châu Âu tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước, còn hạn hán làm các hồ chứa từ Brazil tới Đài Loan (Trung Quốc) bốc hơi không ngừng.
Theo hãng tin Bloomberg, nắng nóng cực đoan, hạn hán kéo dài cộng với nhu cầu năng lượng tăng cao hậu đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu hóa thạch leo dốc và những khó khăn khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là tất cả yếu tố tạo thành gánh nặng khủng khiếp đè lên hệ thống điện toàn cầu.
Tại Mỹ, phần lớn nước này có thể bị cúp điện vào mùa hè khi nhiệt độ tăng mạnh từ New England đến California. Trong khi nhiệt độ California vượt mốc 43 độ C tuần này thì nhà điều hành lưới điện ở bang Texas đã đề nghị khách hàng bớt sử dụng điện. Chỉ mới 4 tháng trước, một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông đã khiến hầu hết Texas chìm trong bóng tối và làm hơn 150 người tử vong.
Người dân tụ tập ở bãi biển Oceanside, bang California - Mỹ để tránh nóng hôm 17-6. Ảnh: REUTERS
"Các đợt nắng nóng ở miền Tây nước Mỹ ngày càng tệ bởi đất đã quá khô từ trận đại hạn hán trong khu vực" - ông Park Williams, nhà khoa học về môi trường của Trường ĐH California, cho biết.
Toàn khu vực có thể duy trì nhiệt độ 45 độ C suốt tuần này, theo Cơ quan thời tiết quốc gia. Cơ quan theo dõi hạn hán Mỹ cho biết các bang miền Tây đã chịu đựng trận đại hạn hán khắc nghiệt kéo dài 2 thập kỷ qua, không chỉ hút cạn hồ chứa mà còn làm nghiêm trọng thêm tình trạng cháy rừng.
Thời tiết chỉ là một phần lý do. Một phần khác là do các nền kinh tế đang tái khởi động sau đại dịch, khiến nhu cầu điện năng tăng vọt theo chân người lao động quay lại văn phòng và nhà máy từ Bắc Kinh đến Frankfurt. Lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua tăng 15% so với năm ngoái, khiến 4 tỉnh lớn nhất nước nhiều khả năng thiếu điện mùa hè này.
Tại Trung Đông, Kuwait đã lập kỷ lục về lượng điện sử dụng, khiến nước này phải đốt hàng trăm ngàn thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, do mất điện liên tục từ tháng 5, Iran đã cấm hoạt động đào bitcoin.
Bình luận (0)