Ông Trudeau đã thành công trong gần như "90 phút của trận đấu".
Chỉ một tiếng rưỡi sau khi nhà lãnh đạo Canada hoàn tất cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông đã chỉ đạo các đại diện Mỹ không tán thành Tuyên bố chung của hội nghị, đồng thời đe dọa áp thuế lên mặt hàng ôtô. Ông cáo buộc Thủ tướng Trudeau đưa ra tuyên bố không đúng với báo chí.
Các quan chức khác của G7 có thể nói sự phản đối của ông Trump là quá trễ. Tuyên bố chung - đưa ra sau phiên đàm phán xuyên đêm giữa các bên, đã thông suốt, hội nghị đã khép lại, các lãnh đạo đã gói ghém đồ đạc hoặc thậm chí lên đường về nhà.
Về mặt kỹ thuật, họ có thể đúng. Nhưng từ khía cạnh chính trị, sự bùng nổ phút chót của ông chủ Nhà Trắng đã vùi dập thậm tệ Tuyên bố chung của G7. Thậm chí, trang Guardian nói rằng chỉ một dòng tweet gây sốc của ông Trump - khi đang trên đường tới Singapore để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã biến cuộc họp vốn đã căng thẳng thành thất bại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Quebec - Canada hôm 9-6. Ảnh: REUTERS
Gọi sự xuất hiện của ông Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 là một cơn bão lớn, trang Politico cho rằng các lãnh đạo G7 có thể nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh, dù cuộc đấu ngày càng mang tính nội bộ, giữa Mỹ và các thành viên còn lại của nhóm. Tuy nhiên, có lẽ họ nên trở lại với tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước cuộc họp: "Chúng tôi không ngại làm G6 nếu cần".
Tại cuộc họp thượng đỉnh được đánh giá là nóng bỏng nhất trong 43 năm tồn tại của G7 này, Tổng thống Mỹ không ngại đụng độ với 6 lãnh đạo còn lại về thương mại, trước sau ông đều khăng khăng nước Mỹ - giàu nhất thế giới, là nạn nhân bị các đồng minh và bạn hữu ngược đãi nhiều thập kỷ qua.
Ông Trump tới trễ, về sớm và sự tuyệt tình của ông - về thương mại, biến đối khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran cùng những vấn đề khác, bao trùm sự lạnh lẽo lên cuộc họp ở Quebec, dù sự kiện diễn ra trong lâu đài trang nhã bậc nhất trên ngọn đồi bên sông St. Lawrence thơ mộng.
Trên đường rời khỏi hội nghị, ông còn đánh thức cuộc chiến thương mại do chính mình châm ngòi bằng thuế thép và nhôm, đe dọa sẽ cắt đứt thương mại với những nước không chịu hạ những khoản thuế "bất công và phi lý" với Mỹ. "Chúng tôi giống như con heo đất mà ai cũng cướp bóc. Điều đó phải chấm dứt" - ông Trump phàn nàn với báo giới.
Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cách ứng phó của các lãnh đạo với một Washington không còn mạng lại cảm giác tin tưởng như trước. Không thái độ thù địch, chỉ dùng ngôn ngữ chừng mực, thậm chí có phần nhún nhường, những người đồng cấp của tổng thống Mỹ thể hiện rõ cho ông biết ông tự tách biệt và họ cho rằng ông đã sai, không nắm thông tin đầy đủ và đặc biệt họ sẽ không bị uy hiếp.
"Người Canada chúng tôi lịch sự, biết điều nhưng chúng tôi cũng sẽ không để bị chèn ép" - Thủ tướng Trudeau nói. Ông khẳng định nước này, cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến tới với đòn trả đũa bằng thuế quan với Mỹ.
Nếu chọn một hình ảnh tóm gọn Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, khó có bức ảnh nào qua mặt được cái do đội báo chí của Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố. Trong bức ảnh lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, các lãnh đạo đứng quanh Tổng thống Trump ngồi chắp tay trước ngực.
Bức ảnh phần nào phản ánh góc nhìn của Berlin khi bà Merkel xuất hiện có vẻ quyền lực, dễ tạo cảm giác nữ lãnh đạo dẫn đầu nỗ lực chung nhằm thúc đẩy ông Trump đổi ý. Dù vậy, sau cùng nó vẫn toát lên rằng vị tổng thống khó lường của nước Mỹ đang ở tâm điểm chú ý.
Bình luận (0)