Đây được cho là thảm họa khai thác mỏ than tồi tệ nhất trong lịch sử của nước này.
Không khí căng thẳng tăng cao khi hàng trăm thân nhân của các nạn nhân và thợ mỏ xô đẩy bên ngoài mỏ than chờ tin tức của lực lượng cứu hộ, đồng thời phản đối sự hiện diện của cảnh sát.
Nhiều người phụ nữ ở đó gào thét khóc than không kiểm soát, một số người đàn ông quỳ xuống buồn bã và nhìn một cách vô vọng vào những người cứu hộ giải cứu các thi thể nạn nhân từ suốt đêm cho đến sáng.
Trong khi đó, tại trung tâm thành phố Soma, những người biểu tình chủ yếu là thanh thiếu niên trong độ tuổi 20 đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động chiều cùng ngày ngay trước trụ sở đảng cầm quyền NKP. Những người này đã bày tỏ sự tức giận đối với chính quyền Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và ném đá vào lực lượng an ninh. Cảnh sát đã phải đeo mặt nạ phòng độc và dùng vòi rồng để đẩy lùi đám đông phản đối.
Còn tại thành phố Istanbul, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở công ty Soma Holding sở hữu hầm mỏ. Ở thủ đô Ankara, cảnh sát phải cố gắng giải tán nhóm biểu tình tuần hành đến Bộ Năng lượng để phản đối tai nạn hầm mỏ.
Bộ Trưởng Năng lượng Taner Yildiz cho hay vào thời điểm xảy ra tai nạn có khoảng 787 công nhân đang làm việc trong hầm mỏ, cho đến nay đã có 450 người được cứu sống. Người này cho biết thêm công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương tiến hành tìm kiếm những người còn mắc kẹt.
Tổ chức nghiệp đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một ngày đình công để phản đối thảm họa hầm mỏ. Một nhân viên tổ chức này cho biết các công ty khai thác mỏ tư nhân gần đây đã không đảm bảo được môi trường lao động an toàn cho công nhân.
Arzu Cerkezoglu, một thủ lĩnh nghiệp đoàn, cho biết đã kêu gọi người dân mặc đồ đen tuần hành đến Bộ Lao động. Một tổ chức nghiệp đoàn nói: “Những người theo đuổi chính sách tư nhân hóa, những người tìm cách cắt giảm chi phí khiến tính mạng người lao động bị đe dọa là thủ phạm trong vụ thảm sát tại Soma và họ phải chịu trách nhiệm”.
Bình luận (0)