Trong quá khứ, những mâu thuẫn xoay quanh đền thờ đã gây ra hàng loạt các cuộc đụng độ giữa người Israel và Palestine.
Đây cũng là nguyên nhân khiến khu vực này lại trở nên căng thẳng vào tuần trước khi các tay súng người Ả Rập xả súng vào đền thờ, giết chết 2 cảnh sát Israel.
Đáp lại, phía Israel liền lắp đặt thiết bị dò kim loại tại cổng vào của khu đền thờ rộng 15 héc-ta, được cả người Do Thái và người Hồi giáo tôn kính, và xem đây là biện pháp an ninh cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.
Trong khi đó, người Hồi giáo lại cho rằng Israel đang cố gắng bành trướng tầm kiểm soát dưới mác bảo vệ an ninh nên đã tổ chức các cuộc biểu tình tập thể.
Một người Palestine tấn công lực lượng an ninh Israel ngày 21-7. Ảnh: AP
Cảnh sát biên giới Israel xịt hơi cay về phía người Palestine. Ảnh: AP
Vào ngày 21-7, sự giận dữ tiếp tục tăng lên khiến hàng ngàn người Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Bờ Tây và thủ đô Jerusalem sau buổi cầu kinh trưa.
Hậu quả là 3 người Palestine thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một trong những vụ xung đột đường phố tồi tệ nhất trong vòng 2 năm qua.
Đến tối cùng ngày, một người Palestine đã đâm chết 3 người trong một gia đình tại chính ngôi nhà của họ. Trước đó, kẻ tấn công 20 tuổi tên Omar al-Abed viết trên Facebook rằng hắn đã lên kế hoạch trả thù cho "sự báng bổ" của người Israel tại vùng đất thánh Jerusalem.
Israel liên tục cáo buộc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và chính quyền cho phép tình trạng kích động chống Israel diễn ra tại những buổi diễn thuyết công khai ở Palestine.
Tuy nhiên, ông Abbas phủ nhận cáo buộc này và khẳng định sự chiếm đóng 50 năm của Israel mới là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực.
Tối 21-7, Tổng thống Abbas thông báo ông sẽ "đóng băng" quan hệ với Israel "ở mọi cấp độ" đến khi các máy dò kim loại bị tháo ra khỏi đền thờ.
Tuy nhiên, ông Abbas không nói rõ điều này có bao gồm việc ngừng hợp tác an ninh không. Nếu có, điều này sẽ gây ra những hậu quả sâu xa và gia tăng căng thẳng với Israel.
Bình luận (0)