Ít nhất 6 người biểu tình thiệt mạng trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh Myanmar hôm 15-3. Các vụ đụng độ diễn ra khi nhiều người ủng hộ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi xuống đường ở nhiều nơi trên khắp Myanmar, gồm TP Mandalay, thị trấn Myingyan và Aunglan.
Chỉ một ngày trước đó, hàng chục người biểu tình thiệt mạng và nhiều nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc ở TP Yangon bị đốt phá. Theo các nguồn tin tại 3 bệnh viện trong khu vực, ít nhất 59 người thiệt mạng và 129 người bị thương ở các thị trấn công nghiệp và ngoại ô của TP Yangon hôm 14-3. Các bác sĩ và nhân viên cứu hộ cho biết số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều. Một số người thiệt mạng tại hiện trường được đưa về gia đình thay vì đưa đến các nhà xác địa phương.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar (AAPP), tính đến ngày 15-3 đã có khoảng 140 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội đảo chính vào ngày 1-2. Quân đội Myanmar đã ban bố thiết quân luật ở các thị trấn Hlaing Tharyar và Shwepyitha vào đêm 14-3 và tiếp tục mở rộng ra Nam Dagon, Bắc Dagon, Dagon Seikkan và Bắc Okkalapa vào sáng 15-3.
Người biểu tình trú ẩn sau rào chắn trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở TP Mandalay hôm 15-3 Ảnh: REUTERS
Các cuộc đốt phá nhà máy có vốn đầu tư từ Trung Quốc hôm 14-3 cũng khiến Bắc Kinh có phản hồi được xem là mạnh mẽ nhất kể từ chính biến Myanmar. Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar ngừng hành động bạo lực và bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản của Trung Quốc.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị phá hoại, gây thiệt hại ước tính 37 triệu USD và khiến 2 nhân viên Trung Quốc bị thương. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết chính phủ nước này đang theo dõi sát tình hình và sẽ xem xét cách thức đối phó trên lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Hàn Quốc cho biết nước này sẽ đình chỉ trao đổi quốc phòng với Myanmar và cấm xuất khẩu vũ khí tới nước này. Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về nhân quyền tại Myanmar, đã kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ cắt nguồn cung tiền mặt và vũ khí cho quân đội Myanmar. Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực và thúc giục chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân cử.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, tòa án Myanmar dời phiên xử trực tuyến hôm 15-3 với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đến ngày 24-3 do sự cố về internet. Luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi cho biết tòa án thuộc chính quyền quân sự Myanmar chỉ cho phép 2 luật sư cấp thấp đại diện cho bà Suu Kyi.
Sau khi bị bắt trong cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2, bà Suu Kyi hiện bị cáo buộc 4 tội danh gồm sở hữu thiết bị liên lạc trái phép, vi phạm các quy định chống dịch Covid-19, vi phạm luật viễn thông và có ý định gây bất ổn trong cộng đồng. Quân đội Myanmar cũng cáo buộc bà nhận trái phép khoản thanh toán 600.000 USD tiền mặt cũng như một số lượng lớn vàng. Tuy nhiên, luật sư của bà Suu Kyi khẳng định đây là những cáo buộc vô căn cứ.
Bình luận (0)