Đây là làn sóng bạo lực tồi tệ nhất ở Venezuela trong 1 thập kỷ qua. Giao thông tại thủ đô Caracas bị đình trệ và nhiều người dân không dám ra ngoài trong lúc người biểu tình đốt rác dọc các đại lộ chính.
Trước đó một ngày, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles đã kêu gọi người ủng hộ tiếp tục biểu tình trong hòa bình. Sinh viên Pablo Herrera, 23 tuổi, tại quận Los Palos Grandes, nói: “Chúng tôi biết đang làm phiền mọi người nhưng chúng ta cần phải đánh thức Venezuela”.
Các cuộc biểu tình dường như là những thử thách lớn nhất đối với chính phủ chỉ mới 10 tháng tuổi của Tổng thống Nicolas Maduro. Dù vậy, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những người biểu tình có thể lật đổ được ông Maduro cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của thành viên OPEC này.
Nhà chức trách cho biết đã buộc tội 529 người gây ra tình trạng bất ổn, trong đó 45 người bị bắt giữ, và khoảng 150 người bị thương trong làn sóng bạo lực mới nhất này.
Ông Capriles , 41 tuổi, chỉ trích: “Chính phủ của chúng ta đang chết dần và tôi không muốn giống như dàn nhạc trên tàu Titanic. Dinh tổng thống không phải là nơi bàn về hòa bình mà đó là nơi đứng đằng sau hoạt động vi phạm nhân quyền”.
Đây được xem là làn sóng báo lực tồi tệ nhất Venezuela trong 1 thập kỷ qua. Ảnh: AP
Cả ông Capriles và các thành viên khác của phe đối lập đang đòi chính phủ trả tự do cho một thủ lĩnh khác là Leopoldo Lopez và khoảng một chục sinh viên khác đang bị giam. Họ cũng đề nghị ông Maduro tước vũ khí của những người ủng hộ chính phủ cũng như xử lý một loạt vấn đề còn tồn tại, từ tội phạm tràn lan cho đến tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu.
Cùng ngày, ông Jose Gregorio Vielma Mora, thống đốc bang Tachira, miền Tây Venezuela, cũng cho rằng việc chính phủ sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc biểu tình là một sai lầm khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Quan chức này cũng yêu cầu chính phủ thả tất cả những người biểu tình đang bị giam giữ.
Bình luận (0)