Biển Đen trở thành điểm nóng địa chính trị kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine và vùng biển này đóng vai trò quan trọng trong lợi ích của Moscow. 28.000 binh sĩ Nga hiện đóng trên bán đảo Crimea. Trong khi đó, các tàu ngầm và tàu khu trục mới của Nga, được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các quốc gia NATO gần đó.
Chẳng hạn, Romania từ lâu cảnh báo về việc không để Nga thống trị biển Đen về quân sự. Chính vì vậy, Bucharest đã thúc giục mạnh mẽ việc triển khai lực lượng NATO trong khu vực, bao gồm hạm đội hải quân đa quốc gia.
Ảnh của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho thấy tàu Nga và tàu Ukraine đối đầu ngoài khơi bờ biển bán đảo Crimea hôm 25-11 Ảnh: TASS
Gót chân Achilles của NATO đặc biệt dễ bị tổn thương bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Thành viên NATO này trong thời gian dài cảm thấy phương Tây chưa bao giờ nghiêm túc xem họ là đối tác ngang hàng. Vấn đề càng thêm trầm trọng bởi mối quan hệ rắc rối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện không xem Nga là đối thủ tiềm tàng mà là đối tác tiềm năng. Hai nước cũng theo đuổi những lợi ích kinh tế chung liên quan đến biển Đen bất chấp sự khó chịu của NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Erdogan gần đây nhất trí rằng đường ống dẫn khí Turkstream sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Đường ống này dẫn khí thẳng qua biển Đen, đồng nghĩa Ukraine sẽ mất một lượng lớn phí vận chuyển khí đốt. Đây được xem một dấu hiệu khác cho thấy Nga đang tăng cường kìm hãm kinh tế Ukraine.
Tất cả những yếu tố trên đang làm suy yếu Ukraine. Liên minh châu Âu và NATO khó có thể làm gì nhiều hơn ngoài việc ủng hộ Tổng thống Petro Poroshenko về mặt tinh thần. Mong muốn NATO phái tàu chiến đến bán đảo Crimea của nhà lãnh đạo Ukraine rất khó thành hiện thực. Ukraine chưa phải là thành viên NATO và liên minh quân sự này không vội vàng gì trong việc kết nạp quốc gia đang có nhiều biến động chính trị.
Bình luận (0)