Cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá loại vắc-xin phòng ngừa chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) bắt đầu tại Mỹ từ ngày 16-3. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin trong cuộc thử nghiệm diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở TP Seattle, bang Washington.
Theo AP, cuộc thử nghiệm trên do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ và có tổng cộng 45 tình nguyện viên tham gia. Tất cả đều trẻ tuổi, có tình trạng sức khỏe tốt và sẽ nhận những liều lượng khác nhau của loại vắc-xin do NIH và Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) bắt tay phát triển.
Quan chức Mỹ nói trên cho biết thêm các tình nguyện viên không đối mặt nguy cơ nhiễm virus trong quá trình thử nghiệm vì vắc-xin không có virus. Mục tiêu thử nghiệm là xác định xem liệu vắc-xin có gây tác dụng phụ đáng lo nào không, từ đó mở đường cho các cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn. Giới chức y tế Mỹ nhấn mạnh có thể mất từ 12 - 18 tháng để một loại vắc-xin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 tiềm tàng nào đó được phê chuẩn.
Bên trong một phòng thí nghiệm đang phát triển vắc-xin SARS-CoV-2 của Công ty CureVac tại TP Tuebingen - Đức hôm 12-3 Ảnh: Reuters
Hàng chục tổ chức nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua phát triển loại vắc-xin nói trên giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 (gọi là Covid-19) đang không ngừng lây lan trên thế giới. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn hướng đến phát triển loại vắc-xin tạm thời, giúp bảo vệ sức khỏe người được tiêm phòng trong khoảng 1-2 tháng sau mỗi lần tiêm.
Tại Mỹ, Công ty Inovio Pharmaceuticals lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin của riêng mình vào tháng tới trong cuộc thử nghiệm có sự tham gia của hàng chục người tình nguyện tại Trường ĐH Pennsylvania và một cơ sở ở TP Kansas, bang Missouri. Ngoài ra, các nỗ lực tương tự đang diễn ra ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Dù vậy, tranh cãi giữa Mỹ và Đức đã xuất hiện trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin SARS-CoV-2. Theo Reuters hôm 15-3, Berlin đang tìm cách ngăn Washington thuyết phục một công ty Đức chuyển hoạt động nghiên cứu sang Mỹ. Giới chức Đức cũng khẳng định không quốc gia nào được phép độc quyền đối với loại vắc-xin SARS-CoV-2 trong tương lai.
Trước đó, tờ Welt am Sonntag (Đức) dẫn nguồn tin của chính phủ Đức cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm hiểu xem có thể tiếp cận được loại vắc-xin tiềm tàng đang được Công ty CureVac nói trên phát triển. Đích thân ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị hỗ trợ tài chính để lôi kéo CureVac sang Mỹ với mong muốn có được loại vắc-xin SARS-CoV-2 dành riêng cho nước này. Đáp lại, chính phủ Đức đang đưa ra những đề nghị hấp dẫn hơn để thuyết phục CureVac ở lại.
Ông Florian von der Muelbe, nhà đồng sáng lập CureVac, cho biết đã phát triển một số vắc-xin SARS-CoV-2 tiềm tàng và đang lựa chọn 2 "ứng viên" tốt nhất để thử nghiệm lâm sàng. Website của CureVac cho biết Giám đốc điều hành Daniel Menichella đã gặp Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, đại diện cấp cao các công ty dược và công nghệ sinh học trong tháng này để bàn về chuyện phát triển vắc-xin.
Cuộc cạnh tranh nói trên diễn ra trong bối cảnh 3 quốc gia châu Âu bị trúng đòn mạnh từ dịch Covid-19 vừa ghi nhận số trường hợp tử vong mới cao nhất trong một ngày. Cụ thể, Ý hôm 15-3 có thêm 368 người tử vong, nâng tổng số lên 1.809. Con số này tại Tây Ban Nha là 97 (288) và Pháp 29 (120). Số ca tử vong mới vì Covid-19 tại Anh cũng đạt mức cao kỷ lục hôm 15-3 (14, nâng tổng số lên 35).
Theo báo The Guardian, một cột mốc đáng lo mới cũng được ghi nhận hôm 16-3 khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 bên trong Trung Quốc đại lục lần đầu tiên thấp hơn bên ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12-2019. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 80.860 ca nhiễm và 3.208 trường hợp tử vong tính đến ngày 15-3. Trong khi đó, 2 con số này trên thế giới là hơn 87.000 và 3.241.
Triển khai nhiều biện pháp cứu kinh tế
Tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc được phản ánh rõ rệt thông qua các số liệu được công bố hôm 16-3, phần nào cho thấy thiệt hại nghiêm trọng trong hàng loạt lĩnh vực. Trong bối cảnh nhiều nhà máy đóng cửa, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm các ngành sản xuất, khai khoáng và dịch vụ thiết yếu, giảm 13,5% trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều hơn so với mức dự báo 3%.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), doanh số bán lẻ, thước đo chính về tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm 20,5%. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức dự đoán trung bình của các nhóm phân tích của Bloomberg với mức giảm 4%. Đầu tư tài sản cố định, thước đo chi tiêu vào hạ tầng, tài sản, máy móc và trang thiết bị, giảm đến 24,5%, nhiều hơn so với dự báo của các chuyên gia phân tích là 2%. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 6,2%, mức cao nhất từng ghi nhận.
Tình trạng đóng cửa các nhà máy khiến các nhà phân tích hạ thấp đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc. Đa số cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ rơi xuống mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong quý I năm nay.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản về gần bằng 0% trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chao đảo vì dịch Covid-19. FED cũng cam kết tăng quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỉ USD. Cơ quan này cũng đã công bố một số hành động khác bao gồm cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Ngoài ra, FED cũng thỏa thuận với 5 ngân hàng trung ương khác để bảo đảm đồng USD sẽ có sẵn trên toàn thế giới thông qua hoạt động trao đổi.
Tỉ lệ lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới hiện vào khoảng 0% - 0,25%, tương đương với mức thấp kỷ lục trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. FED cho biết sẽ duy trì lãi suất gần bằng 0 đến khi chắc chắn nền kinh tế Mỹ đã vượt qua các bất ổn gần đây và đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu ổn định về việc làm và giá cả tối đa.
Xuân Mai
Bình luận (0)