Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 10-12 đã nhận giải Nobel Hòa bình trong một buổi lễ tại Oslo (Na Uy) giữa lúc có những tranh cãi về quyết định nói trên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã đại diện 500 triệu công dân EU nhận giải thưởng trị giá 1,2 triệu USD nói trên.
EU cho biết sẽ dùng tiền thưởng để hỗ trợ các dự án giáo dục dành cho trẻ em tại những vùng xung đột. Trước thềm buổi lễ, theo hãng tin AP, các nhà lãnh đạo nói trên đã ca ngợi thành tựu của EU nhưng cho rằng khối này cần có thêm sự hợp nhất và quyền lực để giải quyết những vấn đề của mình, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Người dân Na Uy biểu tình phản đối trao giải Nobel Hòa bình cho EU tại Oslo hôm 9-12. Ảnh: AP
Quyết định trao Nobel Hòa bình cho EU đã vấp phải không ít chỉ trích. Theo đài CNN, 3 nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình là tổng giám mục Desmond Tutu (người Nam Phi), Mairead Maguire (người Bắc Ireland) và Adolfo Perez Esquivel (người Argentina) đã gọi quyết định trên là “phi pháp”.
Theo họ, hoạt động của EU đi ngược lại những giá trị gắn liền với giải thưởng vì khối này dựa vào lực lượng quân sự để bảo đảm an ninh và hòa bình. Trong khi đó, ông Nigel Farage, thủ lĩnh Đảng Độc lập ở Anh, mô tả quyết định trên của Ủy ban Nobel Na Uy là “hành động lố bịch” làm hoen ố danh tiếng giải thưởng.
Ngay tại Na Uy, khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc tuần hành phản đối giải thưởng ở thủ đô Oslo hôm 9-12. Đám đông này cáo buộc EU “không dân chủ” và duy trì một lực lượng quân sự lớn ngay cả khi kinh tế gặp khó khăn. Một người biểu tình nói với báo Daily Mail (Anh): “(Nhà sáng lập) Alfred Nobel nói rằng giải thưởng nên được trao cho những người hoạt động vì sự giải giới. EU không làm điều này. Họ là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới”.
Bên cạnh đó, nhiều người nhận định rằng giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay được dùng để khích lệ EU nỗ lực đoàn kết vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ đang đe dọa đến sự ổn định xã hội của khối.
Điều này dường như được chính ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, thừa nhận trong nhận định hôm 9-12: “Những gì diễn ra trong 60 năm qua đã chứng tỏ châu Âu có thể đoàn kết trong hòa bình. Giờ là lúc để đưa ra thông điệp thúc giục châu Âu gìn giữ những gì đã đạt được”. Bản thân ông Van Rompuy cũng tuyên bố một cách lạc quan rằng EU sẽ “vượt qua thời kỳ bất ổn, suy thoái” và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Dù vậy, có thể nhận thấy động lực từ giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay, được công bố hôm 12-10, dường như không đủ để giảm bớt sự bất đồng trong nội bộ EU. Lý do là sự vắng mặt của một số nhà lãnh đạo châu Âu tại buổi lễ trao giải, trong đó đáng chú ý có Thủ tướng Anh David Cameron.
Bình luận (0)