Theo AP, trong khi Tổng thống Trump ngăn giới chức chính phủ hợp tác với đội ngũ của ông Joe Biden - người được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử, Bộ trưởng Tư pháp William Barr ra lệnh điều tra "những bất thường" xoay quanh cuộc bỏ phiếu.
Ông Bob Bauer, luật sư thuộc ê-kíp tranh cử của ông Biden, đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định của Bộ trưởng Barr, nói rằng động thái này "chỉ làm dấy lên những tuyên bố mang tính phỏng đoán, không đúng sự thật". Cùng ngày, ông Richard Pilger, giám đốc bộ phận điều tra tội phạm liên quan đến bầu cử của Bộ Tư pháp Mỹ, đã từ chức để phản đối lệnh điều tra của Bộ trưởng Barr.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong một cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại TP Phoenix, bang Arizona – Mỹ hôm 9-11 Ảnh: REUTERS
Về phần mình, ông Biden vẫn đẩy mạnh kế hoạch thành lập chính quyền mới, công bố đội đặc nhiệm ứng phó đại dịch Covid-19 gồm 13 chuyên gia, bất chấp quá trình chuyển giao quyền lực vẫn chưa thể chính thức bắt đầu khi chưa nhận được "đèn xanh" từ Cơ quan Dịch vụ công Mỹ (GSA).
Thông qua việc gợi lại nước đi từng thực hiện trong cuộc bầu cử năm 2000, khi kết quả tại bang Florida bị trì hoãn, GSA dường như sẽ không khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực năm nay cho đến khi Tổng thống Trump nhận thua hoặc ông Biden được chính thức tuyên bố đắc cử.
Theo một số nguồn tin, giới chức Nhà Trắng và những nhân vật được Tổng thống Trump bổ nhiệm đã thông báo với một số nhân viên chính phủ rằng họ sẽ không hợp tác với đội ngũ chuyển giao của ông Biden cho đến khi GSA "gật đầu".
Trong khi đó, Reuters hôm 9-11 dẫn một nguồn thạo tin cho biết đội ngũ của ông Biden đang cân nhắc khởi kiện GSA cũng như xem xét những phương án khác.
Thông tin này được chia sẻ không lâu sau khi phía Tổng thống Trump trình đơn kiện có "gian lận bầu cử" lên tòa án liên bang ở Pennsylvania nhằm ngăn chặn giới chức bầu cử bang này xác nhận ông Biden là người chiến thắng tại đây. Giới chuyên gia khẳng định nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump "có rất ít khả năng thay đổi kết quả bầu cử", đặc biệt là khi đơn kiện của họ tại bang Michigan và Georgia đã bị bác bỏ.
Theo AP, phần lớn thành viên Đảng Cộng hòa không chấp nhận kết quả bầu cử nghiêng về ông Biden và cũng chẳng chỉ trích một hành động gây lo ngại khác của Tổng thống Trump trong ngày 9-11: Sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sau nhiều bất đồng.
Theo đài CNN, quyết định sa thải Bộ trưởng Esper có thể là điểm khởi đầu của 72 ngày hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Mỹ bởi với Tổng thống Trump, "thất bại giống như một viên thuốc rất khó nuốt" khiến ông phẫn nộ.
Theo sau Bộ trưởng Esper, CNN dự đoán những quan chức cấp cao khác có khả năng sớm bị sa thải bao gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci. Song song với đó, theo chuyên gia luật Mark Osler của Trường ĐH St. Thomas (Mỹ), Tổng thống Trump có thể tìm cách ân xá cho người nhà, giới chức trong chính quyền của ông và thậm chí là bản thân ông.
Bình luận (0)